Khoản lỗ 1.800 tỷ và 'vở kịch' tại Petrolimex
11/29/2011 7:57:00 AMTin trong nước

Nếu như trong cùng một Petrolimex, người dân đã không thể hiểu được DN này thực chất lỗ hay lãi, thì trong cùng Bộ Công Thương, hình như lại tồn tại mâu thuẫn lớn khi vào tháng 9/2011, ông Tú thứ trưởng khẳng định Petrolimex lỗ; còn vào tháng 11/2011, ông Hoàng bộ trưởng lại khẳng định Petrolimex lãi.

Không bất ngờ

Đã không có bất ngờ nào từ kết quả kiểm toán đối với Petrolimex của Deloitte mà Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ công bố trước Quốc hội vào ngày 25/11/2011.

Kết quả kiểm toán của Deloitte phản ánh trên báo cáo tài chính của Petrolimex qua các năm 2008, 2009, 2010 đều có lãi. Năm 2008, kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 376 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 1.018 tỷ đồng. Sang năm 2009, kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 557 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 3.217 tỷ đồng. Đến năm 2010, kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỷ đồng; các hoạt động khác lãi 486 tỷ đồng; tổng hợp chung lãi 81 tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2011, Petrolimex (gồm văn phòng tổng công ty và 42 công ty công ty thành viên) kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỷ đồng.

Sau khi rà soát bước đầu về kết quả kinh doanh của Petrolimex, Bộ Tài chính "xét thấy nếu không có những nguyên nhân chủ quan như việc Petrolimex chi trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định và nguyên nhân khách quan là tỷ giá ngoại tệ tăng thì kinh doanh xăng dầu không lỗ lớn".

Kịch tính!

Nhưng điều bất ngờ là cũng trong cuộc họp Quốc hội trên, ngay sau phần trả lời của bộ trưởng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lại đưa ra một thông tin khá khác biệt. Theo ông Hoàng, khi tiến hành cổ phần hóa, theo quy định Petrolimex phải công khai tất cả kết quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, trong ba năm từ 2008-2010, tính về tổng thể, doanh nghiệp này có lãi, nhưng riêng kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Tuy nhiên do doanh nghiệp này không giải thích cặn kẽ, chi tiết nên đã khiến dư luận hiểu nhầm rằng kinh doanh xăng dầu có lãi.

Vvì sao lại có sự tréo ngoe về số liệu trong cùng một Petrolimex?

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã "thuyết minh" rất chính xác về  việc Petrolimex "có lãi" khi tiến hành cổ phần hóa. Sự chính xác này dựa trên bản cáo bạch của Petrolimex (bản phục vụ cho quá trình cổ phần hóa): năm 2008 doanh nghiệp này lãi hơn 913 tỷ đồng, năm 2009 lãi 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81 tỷ đồng, và năm 2011 dự kiến lãi cả năm khoảng 598 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bản cáo bạch và do đó cả "thuyết minh" của ông Hoàng lại chỉ có giá trị đến tháng... 7/2011, tức thời điểm đưa ra bản cáo bạch.

Còn vào gần cuối tháng 9/2011, trong một cuộc hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu, do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo của Petrolimex lại đưa ra những thông tin hoàn toàn trái ngược bản cáo bạch cổ phần hóa: từ năm 2006 đến nay, doanh nghiệp này đã lỗ mỗi năm hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó đỉnh điểm là năm 2008 lỗ đến 10.700 tỷ đồng. Riêng năm 2011, tính đến cuối tháng 8, doanh nghiệp này đã lỗ tới 1.800 tỷ đồng, ước tính 9 tháng lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cần lưu ý rằng thời điểm cuộc hội thảo trên diễn ra vào lúc Bộ Tài chính chưa có quyết định thành lập các tổ kiểm tra tài chính tại Petrolimex. Có thể đó là lý do mà lãnh đạo Petrolimex đã chưa thể hình dung ra việc sẽ có một sự khác biệt quá lớn từ kết quả cuộc kiểm toán của Deloitte, cho thấy giữa "đỉnh điểm là năm 2008 lỗ đến 10.700 tỷ đồng" theo công bố của Petrolimex với "năm 2008, kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỷ đồng, các hoạt động khác lãi 376 tỷ đồng, tổng hợp chung lãi 1.018 tỷ đồng" theo kiểm toán của Deloitte là khác nhau một trời một vực.

Nhưng vì sao lại có sự tréo ngoe về số liệu trong cùng một Petrolimex như thế?

Phục dựng "vở kịch" Petrolimex

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, cũng trong cuộc hội thảo trên, khi thấy ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex - nhắc nhiều đến chuyện lỗ lã, ông Vương Đình Huệ đã phải ngắt lời, yêu cầu nêu rõ năm 2011 lỗ bao nhiêu, từng mặt hàng lỗ lãi như thế nào. Là người am hiểu về ngành tài chính, ông Huệ cũng đặt câu hỏi trực tiếp về lý do lỗ: Petrolimex đã thực hiện chiết khấu cho đại lý đúng quy định chưa?

Ông Bảo chưa kịp trả lời thì ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công thương, có mặt với tư cách khách mời, đã chen ngang cho rằng: "Các định mức cho chi phí kinh doanh xăng dầu đã quá cũ". Giữa tiếng ồn ào của những lời phát biểu chen ngang, ông Huệ truy vấn: "Thực chất từng mặt hàng xăng dầu lãi lỗ thế nào?". Ông Bảo khẳng định: "Chúng tôi không tách ra từng mặt hàng giá lỗ lại bao nhiêu mà tính tổng thể".

"Tại sao lại không thể hạch toán riêng? Vậy các anh tính toán thế nào để nói lỗ" - ông Huệ truy vấn tiếp và phê phán việc Petrolimex không thể nói lời lỗ từng mặt hàng là không thể chấp nhận được. "Không thể hạch toán từng mặt hàng thì tôi không biết quản trị các anh thế nào...? Chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo từng mặt hàng một chứ không có chuyện không biết lời lỗ từng mặt hàng" - ông Huệ bức xúc và khẳng định.

Trong buổi hội thảo trên, cần ghi nhận một nhân tố đặc biệt là Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã tỏ ra rất nhiệt tình bảo vệ cho quan điểm "lỗ" của Petrolimex: "Phải giải quyết cái gốc là doanh nghiệp đang lỗ rất lớn. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng hòng giải quyết được các vấn đề khác. Tôi đề nghị phải dùng đầu nhiều hơn dùng tay chân, nghĩa là bớt đi biện pháp hành chính, từng bước tăng giá, như thế bớt phải hội thảo".

Nếu như trong cùng một Petrolimex, người dân đã không thể hiểu được doanh nghiệp này thực chất lỗ hay lãi, thì trong cùng Bộ Công Thương, hình như lại tồn tại mâu thuẫn lớn khi vào tháng 9/2011, ông Tú thứ trưởng khẳng định Petrolimex lỗ; còn vào tháng 11/2011, ông Hoàng bộ trưởng lại khẳng định Petrolimex có lãi về tổng thể theo... bản cáo bạch cổ phần hóa. Phải chăng đó là tư tưởng "dùng đầu nhiều hơn dùng tay chân"?

Vậy thực chất vấn đề của Petrolimex và Petrolimex - Bộ Công Thương là như thế nào?

Kết thúc cuội hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu đề cập ở trên, ông Huệ đanh thép: "Nếu cần công bố gian lận, tôi sẽ công bố các gian lận".

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent