|
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (Ảnh: VnE) |
Trong buổi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến giá bán điện, giá xăng dầu vào chiều nay, các câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tập trung vào công tác điều hành giá với mặt hàng điện và xăng dầu cũng như các câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty xăng dầu.
Đáng chú ý, khi bà Lê Thị Nga, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đặt câu hỏi: "EVN đầu tư ra ngoài ngành, người tiêu dùng phải chịu những khoản lỗ. Như vậy, tăng giá điện có minh bạch không?", Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã cho biết: Năm 2010, EVN lỗ hơn 8.000 tỷ là lỗ do chênh lệch tỷ giá. Nguyên nhân lỗ là do EVN phải mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành bán cho EVN. Nguyên nhân lỗ do mùa điện giá cao. Đầu tư ra ngoài không liên quan đến khoản lỗ 8.000 tỷ (theo báo cáo của Kiểm toán). EVN đã có kế hoạch thoái vốn, đầu tư ngoài ngành để tập trung cho truyền tải điện.
Với vấn đề thu nhập của ngành điện cao hơn mức thu nhập bình quân của người lao động trong khi ngành này luôn kêu lỗ được đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, mức lương sẽ làm theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội chứ Tập đoàn không thể tự quyết định.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, đơn giản nói lương thấp hay cao là không đủ cơ sở, lãnh đạo EVN nên có phân tích chi tiết hơn sẽ nhận được sự chia sẻ của dư luận.
Liên quan đến nhóm câu hỏi về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, giải pháp để tránh hiện tượng thống lĩnh thị trường là phải công khai, minh bạch. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải công khai lỗ, lãi của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
Ông cho biết: Theo số liệu của công ty kiểm toán xăng dầu năm 2010, xăng dầu lỗ 219 tỷ, còn theo số liệu đến 6/2011, năm 2011 xăng dầu báo cáo lỗ 1.800 tỷ... Chúng tôi kiến nghị xem lại chiết khấu cho các đại lý và phải siết chặt kỷ cương trong việc chi hoa hồng cho đại lý. Nếu hoa hồng giới hạn thì chắc chắn là có lãi. Trong điều kiện kinh doanh thông thường, không có chuyện kinh doanh bị thua lỗ.
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã trả lời các chất vấn liên quan đến việc điều hành giá bán điện, giá xăng dầu và giá đất đai. Ông Vương Đình Huệ cũng cho hay, trong năm 2012 sẽ có tăng giá điện nhưng ở mức kiềm chế và không gây xáo trộn lớn.
5% ngân hàng thương mại trong tình trạng yếu kém
Hiện chỉ có khoảng 8 ngân hàng, tương đương với khoảng 5% số ngân hàng thương mại trong cả nước ở tình trạng yếu kém. Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào cuối giờ chiều nay.
Ngay từ những chất vấn đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận được một loạt các câu hỏi tương đối “nhạy cảm” của 4 vị đại biểu Quốc hội, về số lượng ngân hàng yếu kém cần được giám sát và phương án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng gần một nửa thời gian trả lời để hệ thống lại các câu hỏi và nói về vai trò của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế trong 25 năm đổi mới, cũng như giải thích về nguyên nhân cần phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trước khi trả lời trực tiếp vào câu hỏi của các đại biểu.
Trả lời câu hỏi "Có bao nhiêu ngân hàng yếu kém cần giám sát chặt chẽ, phương án tái cơ cấu?" của ông Nguyễn Văn Thuyết, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: Nếu chỉ tính hệ thống 37 ngân hàng cổ phần, 8 ngân hàng rất lành mạnh làm trụ cột, 8 ngân hàng trung bình, 8 ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng lành mạnh và 8 ngân hàng nhỏ nhưng chưa lành mạnh, tính về tỷ trọng yếu kém không quá 5%.
Còn với câu hỏi của ông Đình Thắm, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng là "Tái cấu trúc ngân hàng có giải pháp để tái cấu trúc trong bao lâu?", Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Đề án tái cấu trúc đã được NHNN hoàn thành, cuối tháng 11 sẽ thông qua và chưa được phép công bố. Một số nét chính, trọng tâm tái cấu trúc đảm bảo xây dựng ngân hàng lành mạnh đủ sức cạnh tranh. Tái cấu trúc là tạo ra hệ thống ngân hàng đáp ứng được nhu cầu phát triển sắp tới, đáp ứng dược dòng vốn...
Trả lời về trần lãi suất, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, quy định trần lãi suất 2010 có ý nghĩa hết sức tích cực, khi sang 2011 lãi suất tăng liên tục nên tính chất linh hoạt mất đi và không phản ánh đúng cung cầu...
Do chỉ có khoảng 50 phút cuối giờ chiều, nên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chưa trả lời hết được những câu hỏi của 4 vị đại biểu Quốc hội và ông còn nhận được thêm gần 20 câu hỏi của 15 vị đại biểu Quốc hội khác. Tuy nhiên, không giống như 4 Bộ trưởng đã trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ có cả đêm nay để chuẩn bị các câu trả lời.
Sáng mai (25/11), Quốc hội làm việc tại hội trường tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên chính phủ. Theo chương trình dự kiến tại phiên làm việc này, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp giải trình bổ sung trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến hoạt động điều hành của chính phủ và Thủ tướng chính phủ.