Phiên chất vấn chiều nay đối với Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ, các đại biểu dành phần lớn thời gian để truy vấn lỗ, lãi xăng dầu.
Báo cáo với đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn số liệu công ty kiểm toán Deloitte công bố, năm 2010 Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 219 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2011, Petrolime báo lỗ 1.800 tỷ đồng, công ty mẹ lỗ 1.600 tỷ đồng.
Trong đó, Bộ trưởng lưu ý, riêng lỗ chênh lệch tỷ giá là 1.430 tỷ đồng. Tại thời điểm điều chỉnh tỷ giá 9,3% hồi tháng 3, Petrolimex phải sử dụng 500 triệu USD để chuẩn bị mua hàng, cộng với số mua chưa thanh toán 200 triệu USD, lỗ chênh lệch tỷ giá đã lên tới 1.700 tỷ đồng.
Nếu loại yếu tố tỷ giá, trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty cũng sử dụng các loại chi phí kinh doanh cao hơn định mức 520 tỷ đồng, chủ yếu chi cho định mức đại lý. Bộ trưởng nhận xét, định mức cho 600 đồng/lít tất cả các khâu, nếu chi cho đại lý lớn thì chắc chắn lỗ.
Ông nói, phải quy định lại chiết khấu cho các đại lý. Nếu hoa hồng đại lý chỉ trong phạm vi giới hạn 600 đồng thì chắc chắn có lãi. Tuy nhiên, hiện nay quy định là 600 đồng cho kinh doanh nhưng không quy định chi cho đại lý là bao nhiêu, dẫn đến tình trạng cạnh tranh nhau về đại lý, thậm chí có nơi được hưởng 1.000 đồng/lít.
"Nếu đúng định mức của nhà nước thì không có chuyện kinh doanh xăng dầu thua lỗ và tất nhiên trong điều kiện Nhà nước không sử dụng biện pháp bình ổn giá" - Bộ trưởng khẳng định.
|
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
|
Được mời hỗ trợ Bộ trưởng Huệ, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nói thêm, trong vấn đề lỗ lãi xăng dầu cần xét đến việc Petrolimex hoạt động trên 5 lĩnh vực, không chỉ có xăng dầu.
Bộ trưởng Hoàng giải thích, các hoạt động ngoài xăng dầu là những hoạt động độc lập, được hạch toán độc lập, lãi lỗ của các hoạt động này không được tính bù cho hoạt động lãi, lỗ của hoạt đông kinh doanh xăng dầu. Chính vì vậy, trong báo cáo của Petrolimex có thể do nhiều nguyên nhân nên tình bày chưa rõ.
Ông lưu ý, khi nói về tổng thể Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam với cả 5 loại hình kinh doanh trong mấy năm gần đây thì tình hình tài chính là lãi. Nhưng nếu nói riêng về tình hình kinh doanh xăng dầu là lỗ.
Sau khi xây dựng phương án cổ phần hóa và thực hiện IPO thì toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh phải được thực hiện, phải công bố lãi.
Do vậy, Bộ trưởng Hoàng kết luận, không có gì là không minh bạch ở đây.
6 tháng đầu năm hao hụt xăng dầu 840 tỷ đồng
Đề cập đến vấn đề hao hụt xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm, chỉ tính riêng hao hụt tính chi phí xăng dầu đã vào khoảng 840 tỷ đồng. Ông nói, Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo đã hứa hạ 5-10% định mức này, tức là tiết kiệm được gần chục tỷ đồng.
Ông cũng lưu ý với Petrolimex, phải quyết liệt giảm bớt tổn thất trong quá trình lưu thông. Bởi, xăng tự nhiên đã hao rồi, để không đã hao, vận chuyển càng hao. Tuy nhiên, nên điều chỉnh cho hợp lý và tiết giảm ở mức người sử dụng được yên tâm.
Không cực đoan bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
Về thị phần xăng dầu, Bộ Trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, theo Luật Cạnh tranh, nếu doanh nghiệp nào chiếm 25% thị phần trở lên thì doanh nghiệp đó gọi là thống lĩnh thị trường chứ không phải độc quyền thị trường, tương tự nhóm doanh nghiệp nào chiếm từ 30% thị phần thì nhóm đó thống lĩnh thị trường.
Về lâu dài, Bộ trưởng nói, phải tính toán cơ cấu lại thị trường xăng dầu, một số doanh nghiệp như Petro Sài Gòn, PV Oil hay Xăng dầu quân đội cần mở rộng và mạnh hơn.
Bộ trưởng cũng lưu ý vấn đề, nếu nhập giá xăng với nguồn giá rẻ và cân đối được tỷ giá sẽ làm cho vấn đề kinh doanh xăng dầu tốt hơn. Điển hình là một tháng Petrolimex cần tới 500 triệu USD nhập khẩu.
Ông đặt vấn đề: "Nên chăng nhà nước tổ chức đầu mối đứng ra nhập chung sau đó bán lại cho các đại lý khác?".
Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Huệ nhắc lại, hiện nay đã bỏ cơ chế bù lỗ từ ngân sách. Cuối năm 2011, quỹ này dư 2.500 tỷ đồng, đây là một nguồn khá lớn để phòng ngừa do bình ổn giá cho doanh nghiêp. Tuy nhiên, cơ chế quản lý quỹ này theo Bộ trưởng cũng cần phải điều chỉnh lại, đặt tại doanh nghiệp cho thuận tiện, tránh cơ chế xin - cho.
Kiểm toán tại 4 đầu mối lớn nhất từ năm 2009 đến nay cho thấy, quỹ bình ổn có hơn 100 tỷ đồng tiền lãi, nhiều nhất vài ba chục tỷ 30 tỷ, còn lại từ 5-7 tỷ. Ông đề xuất trích lập rồi doanh nghiệp tự nộp về Kho bạc Nhà nước, cuối năm hậu kiểm lại.
"Nếu cực đoan bỏ thì khó khăn trong khi nguồn lực Nhà nước thì có hạn" - Bộ trưởng lưu ý.