Mở đầu buổi chất vấn, hàng loạt ĐB đều xoáy vào vấn đề kêu lỗ của Tập đoàn Điện lực VN (EVN); vấn đề lãi lỗ trong kinh doanh xăng dầu.
Giá điện sẽ tăng kiềm chế
ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) hỏi: “
Vì sao EVN lỗ? Công tác quản lý điều hành giá điện trong thời gian tới có gì đột phá?”.
Bộ trưởng Huệ giải đáp, trong lộ trình tiến đến quản lý giá theo nguyên tắc thị trường thì không cho phép bao cấp tràn lan, bù chéo. Tuy nhiên, hiện nay ngành điện lỗ là do phải bù đắp chéo. Năm 2010, giá điện vẫn còn bao cấp cho sản xuất thép và xi măng. Sản lượng điện cung cấp cho 2 ngành này chiếm 11% với mức giá 914 đồng/KWh, theo tính toán điện đã bao cấp chéo khoảng 2.547 tỉ đồng.
Về điều hành giá điện, Bộ trưởng cho biết năm 2010: EVN lỗ theo kinh doanh 8.040 tỉ đồng do mua điện giá cao; lỗ do chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỉ.
“EVN phải mua điện giá cao của các nhà máy nhiệt điện để phụ tải. Ngoài ra, tỷ giá còn biến động thì càng lỗ. Tuy nhiên, đến hết 9 tháng năm 2011 hiện chỉ lỗ 680 tỉ đồng, tiết giảm được 460 tỉ đồng”, ông Huệ giải thích.
|
ĐB Phùng Văn Hùng mong muốn có việc đột phá trong công tác quản lý giá điện - Ảnh: Ngọc Thắng |
ĐB Lê Thị Nga chưa hài lòng và tiếp tục hỏi: "EVN lỗ nhưng vì sao chưa thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung cho việc đầu tư vào điện. Trách nhiệm kiểm tra giám sát của hai Bộ trưởng Tài chính và Công Thương ra sao?".
Ông Huệ khẳng định: “Ngành điện đầu tư ra ngoài ngành không lớn, chỉ khoảng 4.552 tỉ đồng, trog đó viễn thông là khoảng 2.442 tỉ đồng. Đầu tư ngoài ngành của EVN dù có lỗ lãi nhưng khoản này không có chuyện ghép chung lỗ được thông báo. Năm 2011 áp lực lỗ của EVN đã giảm đi rất là tốt, chỉ khoảng 3.500 tỉ đồng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, EVN đã có kế hoạch thoái vốn và tôi nghĩ quá trình này sẽ nhanh”.
|
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ hứa sẽ công khai báo cáo kết quả thanh tra hoạt động xăng dầu - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Về kịch bản điều hành giá điện năm 2012, Bộ trưởng Huệ khẳng định sẽ điều chỉnh dần theo nguyên tắc thị trường. Với tính toán của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, ông Huệ khái quát rằng: “Giá thành cơ bản sẽ lấy theo giá sản xuất 2011 + chi phí đầu vào. Với các khoản này thì giá điện sẽ vào khoảng 1.242 đồng/KWh (tăng 4,6%), giá vẫn tăng nhưng ở mức rất kiềm chế. Việc bán điện cho hộ nghèo thì vẫn giữ như hiện nay, hộ tiêu thụ trung bình thì mức tăng vẫn thấp hơn mức bình quân chung”.
Lý giải thêm yếu tố góp phần khiến cho EVN lỗ là do hao phí điện năng còn khá cao so với khu vực, Bộ trưởng thừa nhận EVN có quan tâm khắc phục vấn đề này nhưng chưa đúng mức.
Bộ trưởng Huệ tâm tư: “Tôi là Bộ trưởng nhưng cũng là ĐB Quốc hội và là cử tri. Chúng tôi có đặt vấn đề với các đồng chí EVN vì sao các ngành khác tiết kiệm được chi phí quản lý điều hành khoảng 10% thì với trách nhiệm của một tập đoàn Nhà nước, EVN có đặt chỉ tiêu tiết kiệm, giảm được 5 đến 10% không?”.
"Giải pháp của mọi giải pháp theo tôi là minh bạch và công khai. Nhà nước phải minh bạch về chính sách, cán bộ các cấp công vụ phải minh bạch trách nhiệm, DN minh bạch. Không làm được việc đó thì vấn đề điều hành giá khó thành công, việc tái cấu trúc cũng khó giành thắng lợi”.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ tâm tư trên và gợi ý giao cho Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu chỉ tiêu giảm chi phí quản lý, tiết kiệm của các tập đoàn Nhà nước.
Trả lời dư luận về chuyện lương của nhân viên EVN là 7,3 triệu đồng/tháng trong khi tập đoàn này lại làm ăn lỗ, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết EVN là DNNN nên tính lương sẽ phải theo quy định đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương do Bộ Lao động Thương binh Xã hội quy định. Nói cao hay thấp phải so với bình quân người lao động làm công ăn lương cả nước, so với cùng lĩnh vực kinh doanh, so với khối doanh nghiệp cùng nhóm.
"Hiện tại, mức phụ cấp độc hại của nhân viên EVN khá cao, thuộc nhóm 5 vì rất nguy hiểm đến 1,9 triệu đồng, do vậy lương còn lại khoảng 5,4 triệu đồng", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Còn Bộ trưởng Vương Đình Huệ thì đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khi cho rằng cần xem xét lại khi EVN kinh doanh lỗ.
Kinh doanh xăng dầu lỗ do biến động tỷ giá
"Nóng" không kém chuyện lỗ của EVN là cơ chế điều hành giá xăng dầu. ĐB Đặng Thế Vinh (Long An) chất vấn: “Khi giá thế giới giảm thì giá trong nước không giảm theo trong khi tăng thì lên cùng lúc. Vậy phương án điều hành giá xăng dầu thế nào?”.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng giải trình thêm lời lỗ của hoạt động kinh doanh xăng, dầu. "Bộ trưởng đã cho thanh tra, có kết quả chưa sao chưa công khai cho dân biết?” - ĐB Minh chất vấn.
|
ĐB Ngô Văn Minh chất vấn cơ chế điều hành giá xăng dầu - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Bộ trưởng Huệ cho biết năm 2011 giá xăng dầu tăng điều chỉnh tổng cộng 4 lần: 2 tăng, 2 giảm. Giá xăng dầu hiện nay hết 70% là nhập khẩu do vậy giá cả phải tính toán theo quốc tế. “Một yếu tố khiến nhiều người lầm tưởng là giá bán ra là giá xăng dầu thành phẩm chứ không phải giá dầu thô mà giao dịch lên xuống mỗi ngày”, Bộ trưởng giải đáp.
Theo báo cáo của hãng kiểm toán độc lập về Petrolimex thì năm 2010 kinh doanh xăng dầu vẫn có lãi. Do vậy, khi tiến hành cổ phần hóa thì thông báo lãi. “Còn kết quả kiểm tra sơ bộ các DN xăng dầu thì nếu không có biến động về tỷ giá hồi tháng 3.2011 thì sẽ không có chuyện lỗ. Tình hình lãi lỗ sẽ có báo cáo cụ thể sau khi có kết quả kiểm tra”, Bộ trưởng Huệ thông báo.
Lý giải thêm vấn đề giá xăng dầu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết Petrolimex được kinh doanh trong 5 lĩnh vực, nếu tổng cộng 5 lĩnh vực này thì trong 3 năm nay là lãi, nói riêng về xăng dầu thì lỗ.
ĐB Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) chất vấn tình hình sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu thế nào? Có cần duy trì quỹ này không? Bộ trưởng Huệ khẳng định: “Giá cả xăng dầu quốc tế bất ổn mà không có công cụ bình ổn thì rất là khó khăn. Quỹ thành lập từ năm 2009 đến 2011 có mức dư là 2.500 tỉ đồng. Cơ chế quản lý quỹ sẽ có hướng điều chỉnh lại.
Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) về các giải pháp đột phá, căn cơ nhất trong điều hành quản lý giá cả, Bộ trưởng Huệ khẳng định: “Giải pháp của mọi giải pháp theo tôi là minh bạch và công khai. Nhà nước phải minh bạch về chính sách, cán bộ các cấp công vụ phải minh bạch trách nhiệm, DN minh bạch. Không làm được việc đó thì vấn đề điều hành giá khó thành công, việc tái cấu trúc cũng khó giành thắng lợi”.
Chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình cũng đã tiếp nhận nhiều câu hỏi từ ĐB và đã trả lời được vài ý. Phiên trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ được tiếp tục vào sáng mai (25.11).
Nợ công an toàn
Trả lời câu hỏi của ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) về lộ trình giải pháp để nâng tín nhiệm quốc gia khi nợ công đang ở mức cao, Bộ trưởng Huệ khẳng định: "Nợ công hiện nay ở mức an toàn. Năm 2011 là 54,6% GDP; năm 2012 là 58,4% GDP và sẽ vào khoảng 65% GDP đến năm 2015. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với quốc gia. Tuy nhiên nợ của nước ta đa phần là vay ưu đãi trong đó có: 7 - 9% vay ODA, 19% vay ưu đãi. Vay ODA kỳ hạn đến 40 năm...".
Mức trả nợ hiện nay là 15% chi phí trả nợ cả gốc và lãi hằng năm, trong đó ngân sách chỉ trả 13,5% còn 1,5% thì các dự án và các nhà đầu tư phải trả. Theo quan điểm của Bộ Tài chính để đảm bảo mức nợ công an toàn cần có kịch bản, lộ trình giảm bội chi; tăng cường năng lực quản lý nợ; tăng cường quản lý rủi ro theo danh mục nợ; có nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô.
Tiến tới lộ trình giá thị trường
Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã trả lời thêm về lộ trình tiến đến giá thị trường. Theo Phó thủ tướng, quyết định 84 và 24 của Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ về vấn đề này, quan trọng là tốc độ để thực hiện việc đó như thế nào.
“Tôi chia sẻ với ý kiến của ĐB Ngô Văn Minh nếu không tiến đến cơ chế giá thị trường thì vẫn sẽ phát sinh cơ chế xin - cho, hàng chất lượng kém. Tuy nhiên, chúng ta cần phải kiểm tra khả năng ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chịu đựng được của nhân dân”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết.
|