|
Người tiêu dùng mua xăng sinh học (E5) tại một cây xăng ở TP.HCM - Ảnh: Tự Trung. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phú Cường - phó vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) - cho biết:
- Việc doanh nghiệp (DN) phàn nàn không bán được trong nước mà phải bán sang Trung Quốc là chuyện rất bình thường. Bởi đến tháng 12-2010 có đến 13 DN đăng ký dự án sản xuất ethanol, có DN đăng ký công suất lên đến 300-400 triệu lít/năm. Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có hai dự án của Công ty Tùng Lâm (ở Đồng Nai) và Công ty cổ phần Đồng Xanh đi vào sản xuất. Còn các nhà máy khác đang ở giai đoạn nước rút để lắp đặt.
Một số nhà máy ở Tam Nông (Phú Thọ), Bù Đăng (Bình Phước) hay Dung Quất... đều không đúng tiến độ. Các DN cứ đổ rằng tại Nhà nước chưa có lộ trình nên kêu khó khăn, nhưng thực tế bản thân DN không hề thực hiện đúng cái đích mà họ đặt ra.
Giả sử Bộ Công thương đề xuất với Chính phủ một lộ trình bắt buộc sử dụng xăng pha trộn với ethanol với một tỉ lệ nào đó ở thời điểm năm ngoái hay đầu năm nay, các DN lấy đâu ra xăng dầu mà pha ngay.
* Nhưng thực tế với sản lượng hiện tại, nhiều DN kinh doanh xăng dầu cũng không mặn mà mua?
- Rõ ràng chủ trương phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều bên liên quan trong xã hội, từ cơ quan quản lý nhà nước tới các DN, cơ quan truyền thông đến sự ủng hộ của người tiêu dùng vì mục đích chung là vấn đề an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Hầu hết DN xăng dầu của VN đều là DN nhà nước hoặc có phần vốn của Nhà nước, DN tư nhân rất ít. Các DN này cần thời gian lên kế hoạch phê duyệt, tổ chức đấu thầu, mua sắm thiết bị, cải tạo hệ thống mạng lưới bồn bể, cây trạm. Việc đưa một sản phẩm mới của xăng dầu ra thị trường và bắt buộc áp dụng rộng rãi đòi hỏi các bên phải hợp tác với nhau mới có thể phát triển được. Nếu bên này đổ lỗi cho bên kia sẽ không bao giờ được việc cả.
Còn ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công thương đang kiến nghị để tới đây có những ưu đãi cho các DN triển khai việc pha chế, phối trộn, phân phối... Vì những DN này sẽ phải đầu tư tiền mua thiết bị, máy móc, huy động vốn... nên cần được hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng các cơ chế như miễn giảm thuế khi nhập thiết bị về hay cách tính phí khi đưa Luật bảo vệ môi trường vào.
* Theo lộ trình, đến năm 2015 tất cả xăng trên toàn quốc là xăng sinh học (E5). theo ông, có nên đẩy sớm lộ trình?
- Đã có một DN gọi điện hỏi tôi tại sao lộ trình phải đến năm 2015 mới bắt buộc toàn quốc? Thực tế không ai cấm các DN lúc đó mới có quyền bán toàn quốc cả. Lộ trình chỉ là một công cụ hành chính để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Chúng ta không thể đòi ngay một bước là có luôn sản phẩm được. Ví dụ Đức là một nước hàng đầu ở châu Âu, tiềm lực khoa học công nghệ phát triển nhưng để họ phủ được mạng lưới diesel sinh học trên toàn quốc cũng phải mất mấy năm.
* Nhiều ý kiến cho rằng việc đẩy mạnh sản xuất xăng sinh học có thể khiến tăng diện tích trồng sắn gây bạc màu đất, phá vỡ quy hoạch... cơ quan quản lý nhà nước đã lường trước việc này?
- Về diện tích sắn, hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không có chủ trương tăng thêm và khống chế tối đa ở mức 500.000ha. Riêng Bộ Công thương, Bộ Khoa học - công nghệ đang tập trung nghiên cứu, phát triển một giống sắn mới giúp nâng năng suất lên 33-35 tấn/ha/vụ.
Năng suất sắn bình quân của cả nước năm 2010 chỉ 16,7 tấn/ha, ở mức thấp của thế giới (thế giới hơn 20 tấn/ha/vụ). Hi vọng việc đưa các giống sắn mới thì năng suất bình quân sẽ được đẩy lên 22 tấn/ha, như vậy với 500.000ha thêm được 2,5 triệu tấn.
|