Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết định tiến hành kiểm tra việc khẩu, kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp lớn là TCty Xăng dầu Việt Nam, TCty Dầu Việt Nam và tại các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (gồm Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu TPHCM và công ty TNHH một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp).
Mục đích cuộc kiểm tra để xác định giá vốn các mặt hàng xăng dầu tồn kho tính đến ngày 26/8/2011, giá nhập khẩu trong giai đoạn từ 1/1/2011 đến hết ngày 15/9/2011; rà soát các khoản chi phí thực tế liên quan đến kinh doanh của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh xăng, dầu. Đồng thời, rà soát kết quả sản xuất, kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp đến thời điểm lập Báo cáo kế toán gần nhất với thời điểm kiểm tra; kiểm tra việc chấp hành các quy định về trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tính đến hết ngày 15/9/2011.
Cũng liên quan đến vấn đề hoạt động của doanh nghiệp lớn nhất trong ngành - TCty xăng dầu Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính lý giải, việc cổ phần hóa đơn vị cũng như nhiều TCty, tập đoàn kinh tế khác tiến hành rất chậm, thậm chí phải tạm dừng vì bối cảnh kinh tế khó khăn.
“Tình hình giá cả như này, Nhà nước có nên bán các doanh nghiệp của mình?” - ông Huệ đặt vấn đề.
Về đề án tái cấu trúc các tập đoàn, TCty Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì triển khai trong phiên họp tháng 10 vừa qua, ông Huệ cho biết, mới đang ở giai đoạn xây dựng. Bộ trưởng Tài chính khẳng định: “Chính phủ đã yêu cầu trong kỳ họp tháng 11 phải báo cáo kết quả bước đầu về việc xây dựng đề án này. Chúng tôi đang rất tích cực làm. Mục tiêu, phạm vi triển khai, nội dung tái cấu trúc cũng như lộ trình, bước đi cụ thể còn phải tiếp tục bàn thảo”.
Ngoài vai trò chủ trì đề án tái cấu trúc DNNN, Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm phối hợp với Bộ KH-ĐT thực hiện đề án tái cấu trúc đầu tư công và phối hợp với NHNN làm đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.