|
Điểm thu gom dầu trôi nổi san sát, công khai giá mua để cạnh tranh. |
Dù là ngành kinh doanh có điều kiện, song ven những tuyến đường như đại lộ Nguyễn Văn Linh, xa lộ Đại Hàn, tỉnh lộ 25B và QL1A ở TP Hồ Chí Minh… các đại lý thu gom dầu DO (Diezen Oil) trôi nổi vẫn ngang nhiên mở ra.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trên đoạn chạy qua huyện Bình Chánh của tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh đã có tới vài chục điểm treo can nhựa đề biển thu mua dầu DO. Tương tự, chỉ với một đoạn của QL1A chạy qua địa bàn các phường Thới An và Thạnh Xuân, quận 12 cũng có tới cả chục điểm thu mua dầu DO san sát nhau. Thậm chí, để cạnh tranh một điểm thu mua dầu DO tại đây còn ghi luôn giá mua vào từ 610, 630 và 650 ngàn đồng/can 30 lít, tức ở mức thấp nhất đã trên 20,3 ngàn đồng/lít để câu khách.
Với giá thu mua vào cao hơn giá bán lẻ tại cây xăng như vậy, để có lãi, đại lý chỉ còn cách gian lận về số lít, phổ biến nhất là cách sử dụng loại can đã được dùng hơi để thổi phình ra, can 20 thành 25 và can 30 thành ít nhất là 35 lít. Trắng trợn hơn, ngay cổng các kho xăng dầu Nhà Bè, Cát Lái cũng có những điểm công khai thu mua xăng dầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc mà chủ yếu có được từ tình trạng rút ruột, trộm cắp. Một điểm chung nữa là các điểm thu mua dầu lậu này thường núp bóng dưới một đại lý thu mua phế liệu để dễ bề đối phó, che giấu và tẩu tán lượng dầu mua gom được.
Tại một điểm thu mua dầu trên tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, bà chủ điểm thu mua lậu này khẳng định chắc nịch: “Có bao nhiêu cũng mua, mua với giá cao”. Vòng vo một hồi, ghé mắt vào phía trong gian nhà tạm chứa dầu, chúng tôi nhận thấy có tới vài chục can loại 20 – 30 lít vừa chứa dầu, vừa can rỗng xếp ngay ngắn trong đó. Dù được một xe ôm ở khu vực này cho biết việc mua bán dầu thường diễn ra vào sáng sớm, buổi tối hoặc trưa, nhưng lòng vòng trên đoạn đường này vào buổi sáng, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp tài xế xe bồn, xe container xi nhan tấp xe vào lề để phụ xe nhảy xuống lặc lè xách 1 – 2 thùng dầu vào giao dịch với đại lý rồi đổi can không chạy ra xe trong ít phút.
Ở một điểm thu mua dầu DO khác trên QL1A, chúng tôi còn gặp chủ một điểm thu gom dầu nhỏ ngang nhiên chạy xe máy chở 5 – 6 can dầu loại 30 lít tới giao cho đại lý lớn.
Nhu cầu thu mua dầu DO với giá cao nhiều như vậy, việc bán dầu quá dễ càng kích thích đối tượng tài xế xe tải, xe bồn nảy lòng tham. Anh Trung, chủ một DN ở khu CN Tân Tạo cho biết, công ty của anh vừa sa thải hết dàn tài xế xe tải cũng vì phát hiện được các đối tượng này ăn cắp dầu từ trong bình nhiên liệu của xe.
|
Một đại lý con vừa chở dầu giao cho điểm thu mua lớn. |
Anh Trung kể, sau khi thấy dàn xe tải Hino đời mới dù xài béc phun, chạy ít nhưng liên tục phải đổ dầu, thanh toán tiền dầu, công ty đã phải mua khóa riêng để khóa bình dầu. Sau thời gian cho người theo dõi, thấy khóa nắp bình dầu còn nguyên, song lượng dầu tiêu hao của xe vẫn gấp rưỡi, gấp đôi định mức cho phép so với số km xe chạy hàng ngày. Một lần, do công ty điều xe quay vòng ngay về kho để bốc hàng, do vội, tài xế chưa kịp tẩu tán dụng cụ ăn cắp dầu. Bảo vệ kiểm tra, phát hiện phía dưới gầm xe tài xế cho đặt một chiếc can nhỏ để lấy dầu từ đường dầu hồi. Tá hỏa, chúng tôi cho lập biên bản và cho tài xế nghỉ việc ngay.
Theo ông Tiệp, Giám đốc một DN vận tải hàng hóa, với xe container, bơm dầu mạnh, chỉ cần tài xế lấy dầu từ đường dầu hồi trong vòng 15 phút chạy xe đã có thể đầy can 30 lít. Chủ một DN xe đầu kéo khác cho biết thêm, tình trạng lấy trộm dầu trong xe còn xảy ra trắng trợn đến mức, một lần xe của DN đậu qua đêm gần khu công nghiệp chờ xuống hàng. Nghe tiếng động và ngửi thấy mùi dầu, tài xế và phụ xe ngủ trên cabin xuống kiểm tra mới phát hiện bình dầu của xe đã bị đối tượng trộm cắp dùng con đội thủy lực gắn ống thép rỗng, nhọn đầu đội thủng. Bị phát hiện, đối tượng trộm dầu bỏ chạy, bỏ lại dụng cụ ăn cắp dầu gồm con đội thủy lực; ống thép rỗng còn cắm nguyên vào đáy bình dầu và một ống nhựa mềm nối vào ống thép dùng để dẫn dầu từ trong bình ra xa rồi cho chảy vào can.
Còn với xe bồn, một tài xế chuyên chạy xe chở dầu nay đã giải nghệ bật mí, cách ăn cắp dễ nhất và được nhiều nhất, từ 2 – 3 can loại 30 lít/chuyến là lái xe thông đồng với người giao và người nhận dầu để ghi chênh lệch nhiệt độ dầu. Cách lấy ít hơn là khi về nơi giao dầu vào bồn, thông thường tài xế phải chạy đà lên dốc 2 – 3 lần để dầu trong xì tẹc chảy hết ra. Nhưng tài xế dùng chiêu qua mặt, chỉ lắc cho có lệ, dầu đọng trong xìtẹc vẫn còn được cả can 20 – 30 lít. Lúc chạy xe không ra, họng xả dầu được tài xế cho mở và dùng xô hoặc can hứng lượng dầu còn đọng trong xìtẹc này sóng ra ngoài và “quẳng” cho đại lý thu gom quen dọc đường. Toàn bộ lượng dầu trôi nổi này sẽ được các đầu nậu lớn thu gom lại rồi giao ngược cho các cây xăng dầu tư nhân, cho đại lý xăng dầu đường thủy… bán lẻ lại cho chủ phương tiện.
Tình trạng thu gom, mua bán dầu rút ruột, dầu lấy cắp tràn lan của các đại lý thu mua dầu tự phát ven đường không chỉ khiến chủ xe, chủ DN vận tải thiệt hại, bức xúc mà còn gây mất trật tự, an toàn xã hội. Vụ cháy tại dãy nhà tạm trong bãi đất trống ven tỉnh lộ 25B thuộc địa bàn phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 vào ngày 4/5/2009 thiêu rụi toàn bộ dãy nhà tạm, 4 xe đầu kéo, 12 xe gắn máy xuất phát từ một điểm thu mua xăng dầu trôi nổi của xe bồn, xe tải.
Thời gian qua, nhiều tụ điểm thu mua xăng dầu từ nguồn trộm cắp của tài xế cũng đã bị lực lượng Công an triệt phá. Tuy nhiên, trước hiện tượng các điểm thu gom dầu lậu mở ra tràn lan không được quản lý; không được kiểm soát về điều kiện kinh doanh hiện nay, ngoài gây nguy hiểm cho cộng đồng còn đang góp phần tiếp tay đắc lực cho nạn rút ruột, lấy cắp xăng dầu hoành hành