Đó là quan điểm của chuyên gia Ngô Trí Long khi bàn về những bất cập trong quản lý thị trường xăng dầu theo Nghị định 84.
Ai đảm bảo nguồn xăng?
Giá dầu thô thế giới đã sụt về mức thấp trong nhiều nhiên giao dịch liên tiếp gần đây. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/10, dầu thô WTI của Mỹ chỉ còn 75,67 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010 đến nay. Chiều 5/10, dầu thô Brent của Anh còn 99,79 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011. Điều này đã tác động mạnh mẽ lên diễn biến giá xăng dầu thành phẩm.
Tại Singapore - thị trường cung cấp chính của VN, giá các loại xăng A92, dầu DO, dầu hỏa...cũng đã giảm liên tiếp 2 tuần nay. Ngày 4/10, xăng A92 tại thị trường Singapore được niêm yết ở mức 113,85 USD một thùng. So với giá ngày 26/8 (thời điểm Bộ Tài chính quyết định giảm 500 đồng một lít xăng và 300 đồng một lít dầu), mức giá mới này đã giảm hơn 8 USD một thùng.
Với mức giảm này, theo tính toán của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, 1 thùng dầu thô tương đương với 158,98 lít, nếu quy đổi ra sẽ giảm 1.000 đồng mỗi lít.
Tuy nhiên, giá xăng bán lẻ trong nước vẫn chưa giảm. Theo lý giải của các doanh nghiệp đầu mối thì, nếu tính theo giá cơ sở 30 ngày của Bộ Tài chính tại nghị định 84, giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ 900 đồng/lít và doanh nghiệp vẫn đang lỗ.
Đây chính là một trong những bất cập khiến cho giá xăng, dầu tăng và giảm đều khó. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, giá xăng tính 30 ngày là không nên, vì giá xăng, dầu trên thế giới biến động thường xuyên, tính với thời gian như thế này rất khó, dễ để doanh nghiệp lợi dụng để giữ giá hoặc tăng giá.
|
Giá xăng thế giới tăng hay giảm, doanh nghiệp vẫn không được hưởng lợi. Ảnh: N.Y |
“Giá không phải do người dân quyết định, nên việc tính theo giá cơ sở 30 ngày không phản ánh chính xác diễn biến liên tục của thị trường xăng dầu. Thí dụ, trong chu kỳ, 20 ngày giảm liên tục, nhưng 10 ngày tăng thì giá vẫn không giảm, như vậy phản ánh sai diễn biến thị trường. Theo tôi nên điều chỉnh xuống 15 ngày là hợp lý”, ông Long cho biết.
Trong khi đó, theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), việc quy định giá cơ sở 30 ngày của Bộ Tài chính còn phải gắn với dự trữ, lưu thông, phân phối của doanh nghiệp.
Petrolimex bán giá bao nhiêu không biết nhưng vẫn phải đảm bảo lượng hàng trong kho đủ cung cấp ra thị trường tối thiểu 30 ngày. Còn đương nhiên khi bán, doanh nghiệp phải tính trung bình phải là trong 30 ngày.
Có ý kiến nên rút ngắn thời gian tính giá cơ sở xuống 20 ngày, 15 ngày, 10 ngày, thậm chí 5 ngày cũng không vấn đề gì. Nhưng nếu tính 10 ngày, giá xăng dầu giảm thì tốt cho người tiêu dùng, nhưng 10 ngày không đảm bảo cho dự trữ, lưu thông thì ai chịu trách nhiệm.
Cái rất khó hiện nay đối với cơ quan quản lý Nhà nước là đặt ra quá nhiều mục tiêu. Tức là lúc nào cũng phải đảm bảo nguồn, tối thiểu là 30 ngày, nhưng lại đặt ra mục tiêu giá thế giới tăng giảm trong vòng 10 ngày thì cũng phải giảm theo.
“Điều này, tôi cho rằng cũng đúng vì người dân được giảm thì tốt quá. Nhưng doanh nghiệp phải làm thế nào?”, ông Dũng đặt câu hỏi.
Đồng thời, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, giá dầu thô trên thế giới tăng hay giảm, thì lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng vẫn chỉ là 300 đồng/lít.
Cụ thể, nếu giá dầu thô trên thế giới là 80USD/thùng, thì các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng chỉ được hưởng lợi nhuận định mức là 300 đồng. Giá thế giới có lên đến 200 USD/thùng thì các doanh nghiệp cũng chỉ được 300 đồng/lít.
Điều đó có nghĩa là không có chuyện giá lên cao thì doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều. Thậm chí, khi giá lên cao, các chi phí cũng bị đội lên rất nhiều. Thí dụ như: ngoại tệ thay vì 80USD mua được 1 thùng thì phải cần những 200 USD, vì thế, đảm bảo ngoại tệ là khó khăn.
“Quan điểm của doanh nghiệp là giá càng hạ càng tốt. Phương án nào doanh nghiệp cũng thực hiện được hết. Nhưng nếu quy định 50 ngày thì kho không đủ dự trữ. Còn 10 ngày là quá tốt. Nhưng nếu đứt nguồn thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Cái khó khăn nhất là đảm bảo nguồn, còn lãi, lỗ thì có thị trường. Đây là vấn đề lớn, vì nếu thiếu nguồn, có đến 50.000 đồng/lit cũng không mua được”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nên thực hiện theo pháp lệnh giá
Liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84 của Chính phủ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cái chính sai cơ bản là cách tính giá xăng rất rối rắm như hiện nay.
Theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 15/12/2009, doanh nghiệp có quyền tăng giá xăng dầu cứ 10 ngày/lần nếu tăng dưới 7% và báo cáo sau, tăng từ 7 đến 12 % thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% - 12%. Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp sẽ được Quỹ bình ổn giá bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (chỉ được dùng Quỹ bình ổn khi mức tăng giá trên 7%). Và trường hợp giá thế giới tăng trên 12% thì giá xăng dầu trong nước do Nhà nước quyết định.
“Quy định như vậy không đúng. 0 - 7%, doanh nghiệp có quyền tăng giá. Nhưng lấy gì ra để biết đó là từ 0 – 7%. Hơn nữa, thị trường xăng dầu, Petrolimex vẫn chiếm đến gần 60% thị phần thì đó vẫn là độc quyền. Độc quyền thì không thể để doanh nghiệp định giá”, ông Long khẳng định.
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh và độc quyền là 2 nội dung cơ bản. Với mỗi loại thị trường, Nhà nước có cách quản lý khác nhau. Trong pháp lệnh giá của Việt Nam cũng quy định rất rõ: Đối với doanh nghiệp độc quyền, Nhà nước phải định giá. Doanh nghiệp độc quyền tùy theo hình thức có cách định giá thích hợp.
Ví dụ, thị trường điện chỉ có 1 đơn vị duy nhất là EVN, thì Nhà nước phải định giá cụ thể. Nhưng thị trường xăng dầu, mặc dù Petrolimex độc quyền, nhưng bên cạnh đó còn có 10 đơn vị xăng dầu nhập khẩu khác. Vì vậy, Nhà nước chỉ nên định giá trần, để không ai vượt qua được, còn các doanh nghiệp khác vẫn có sự cạnh tranh để giảm giá.
“Nghị định 84 nên thay đổi cách tính giá theo pháp lệnh giá thay vì rối rắm như hiện nay. Vừa ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà Nhà nước cũng không được hưởng lợi. Giá Nhà nước định phải sát với giá thị trường. Khi nào Nhà nước muốn thu tiền nhiều thì đánh thuế cao. Còn khi lạm phát cao thì Nhà nước định giá thấp hơn thị trường. Còn khi nào không còn độc quyền, thì Nhà nước điều khiển bằng vĩ mô thôi”, ông Long nhấn mạnh.