Song hầu hết các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu (NK) xăng dầu trong nước đều “án binh bất động” với giải thích: “Chúng tôi không được quyền định giá, chờ cơ quan quản lý quyết”.
Tiếp tục theo dõi diễn biến giá
Diễn biến giá dầu thô trồi sụt theo những biến động chính trị của thị trường Mỹ, song giới chuyên gia phân tích cho rằng, động thái giảm giá dầu vẫn là chủ đạo. Chốt phiên giao dịch ngày 6.10, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 tăng 2,91USD, tương ứng 3,7%, lên mức 82,59USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York, nhưng theo các chuyên gia phân tích nhận định: Thị trường xăng dầu thế giới sẽ khó có khả năng tăng thêm do triển vọng kinh tế Mỹ không sáng sủa. Thông tin tại trang web của TCty Xăng dầu VN (Petrolimex) cũng khẳng định:
Tính trong vòng 30 ngày của tháng 9.2011 so với tháng 8.2011, dầu WTI là 85,97USD/thùng, giảm 0,39USD/tháng (tương đương 0,46%), dầu Brent là 109,46USD/thùng (giảm 0,43USD/thùng (tương đương 0,39%); tương tự tại thị trường Singapore - thị trường cung cấp giá tính giá cơ sở của VN, giá các loại xăng A92, dầu hỏa, diesel, madút... biến động nhẹ hình sin theo xu hướng giảm. Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, nếu tính toán theo Nghị định 84, thời gian tối đa giữa 2 lần giảm giá là 10 ngày thì kể từ ngày giảm giá gần nhất (26.8), giá NK dầu hỏa và dầu DO liên tục giảm, chí ít có thể giảm tương ứng giá trong nước khoảng 1.000 đồng/lít.
Trong tháng 9.2011, giá xăng A92 nhập khẩu có thời điểm giảm xuống chỉ còn 114,88USD/thùng. Ngày 3.10, giá xăng A92 vẫn theo đà giảm sâu còn 114,85USD/thùng và còn 113,85USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 4.10. Như vậy, thị trường trong nước đã hầu như không có phản ứng gì trước mức giảm giá liên tục của giá xăng dầu thế giới, mà theo quy định tại Nghị định 84, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở giảm trong phạm vi 12%, thì DN đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.
Tới ngày 7.10, khi giá xăng tại các thị trường lớn đều đồng loạt nhích lên, được hỏi vì sao không giảm giá xăng dầu trong nước một thời gian dài, các DN đầu mối đều cho rằng, hiện thị trường xăng dầu không được vận hành theo NĐ 84. Đại diện DN chiếm thị phần chi phối thị trường, Petrolimex cũng khẳng định: “Thời gian qua, chúng tôi gần như không kiến nghị gì với các bộ, ngành về mức tăng, giảm giá xăng dầu. Hiện người “nắm giữ” (điều hành) thị trường xăng dầu là Bộ Tài chính, Bộ Tài chính bảo tăng thì chúng tôi tăng, nói giảm chúng tôi giảm”.
|
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “án binh bất động”, chờ Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu. Ảnh: Kỳ Anh |
Vẫn chờ cơ chế minh bạch
Trên thực tế, khi triển khai thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, cả các cơ quan quản lý và DN đầu mối, các chuyên gia kinh tế đều nhìn thấy có quá nhiều bất cập. Ông Phạm Minh Thụy - Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng: Để đảm bảo ổn định mặt bằng giá, thời gian qua, NĐ 84 có lúc đã không được thực thi. Nhà nước thực tế là đã can thiệp vào giá thông qua các công cụ tài chính làm cho hệ thống giá xăng dầu trong nước bị bóp méo.
Một bất cập nữa là việc tính giá cơ sở dựa trên giá CIF bình quân 30 ngày lấy theo giá Platt’s Singapore chỉ mang tính ước lệ, là định hướng xem xét sự biến động giá, nhưng giá mua xăng dầu thực tế của DN vào từng thời điểm sẽ khác nhau khá nhiều so với giá này. “Việc lấy giá cơ sở làm căn cứ để tính lỗ, lãi của DN là không hợp lý” - ông Thụy nói. Thực tế đã chứng minh là DN khi thấy giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở là kêu lỗ; ngược lại, thấy giá xăng dầu thế giới giảm, dư luận trong nước lại phản ứng khi chưa thấy giá bán lẻ xăng dầu giảm ngay, vì còn độ trễ.
Để minh bạch giá xăng dầu, Chính phủ cần quy định quy chế tính giá, các khoản thu và tỉ lệ lợi nhuận cho DN (không ấn định khoản lợi nhuận định mức như nhau 300đ/lít như hiện nay), quy định các khoản nộp thuế, trích quỹ bình ổn là số tuyệt đối. Còn lại để cho DN quy định mức giá bán lẻ như công thức tính giá cơ sở hoặc Chính phủ áp giá trần bán lẻ xăng dầu trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn còn DN độc quyền chi phối.