Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quang A xung quanh vấn đề này.
+ Cách điều hành giá xăng đã cho thấy sự không “sòng phẳng” đối với người tiêu dùng, buộc người tiêu dùng mặc nhiên chấp nhận giá xăng như một sự áp đặt. Theo ông, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến lòng tin của người dân vào các vấn đề trong nền kinh tế của nước ta?
- TS. Nguyễn Quang A: Lòng tin của dân (gồm cả các doanh nghiệp và tổ chức xã hội) vào sự thực thi pháp luật, sự bảo vệ của pháp luật, vào chính sách của Chính phủ và hoạt động của các doanh nghiệp là nhân tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế .
Lòng tin cao làm giảm chi phí giao dịch, tăng cường quy mô trao đổi, thúc đẩy sự làm ăn tin cậy lẫn nhau và đấy là môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Còn hủy hoại lòng tin thì ngược lại, sẽ cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội. Theo tôi, sự lộn xộn trong quản lý giá xăng dầu vừa qua đã hủy hoại lòng tin của người dân.
+ Theo ông, thời gian qua hai Bộ Tài chính và Công thương đã làm đúng vai trò của mình chưa?
- TS. Nguyễn Quang A: Theo tôi, với cách điều hành giá xăng dầu vừa qua cả hai Bộ Tài chính và Công Thương đều chưa làm đúng vai trò của mình.
Do còn có doanh nghiệp chi phối thị trường nên việc Nhà nước can thiệp vào định giá là đúng và trong trường hợp đó vai trò can thiệp của Bộ Tài chính là phù hợp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không thể can thiệp mãi.
Cách hiệu quả nhất là Nhà nước thúc đẩy cạnh tranh. Chẳng hạn sắp xếp lại, chia tách, sáp nhập các doanh nghiệp đầu mối hay khuyến khích một vài doanh nghiệp phát triển nhanh trong khi lại kìm doanh nghiệp lớn để sao cho sau vài năm có ba – bốn doanh nghiệp sàn sàn nhau (tức là có thể có cạnh tranh lành mạnh). Khi đó, Nhà nước không cần phải can thiệp vào việc định giá mà để cho cơ chế thị trường, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau tự quyết định giá. Đấy là cách căn bản, lâu bền phải làm chứ không phải cách làm như hiện nay.
Khi đó hai Bộ chỉ cần thu thuế, giám sát, ngăn chặn sự câu kết giữa các doanh nghiệp mà thôi. Còn hiện nay, dù cải tiến thế nào mà cơ cấu ngành vẫn thế thì không bao giờ giải quyết được vấn đề, có chăng chỉ là giải pháp tạm thời, chắp vá.
+ Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 84 đã lộ rõ nhiều bất cập bởi hiện nay Nghị định này không còn phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới nữa. Chẳng hạn, cách tính giá cơ sở trung bình 30 ngày sẽ cản trở việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước. Chu kỳ biến động giá xăng dầu thế giới từ 7-10 ngày nhưng nếu chờ điều kiện giá cơ sở thì giá thế giới đã sang một chu kỳ khác. Ông có cho rằng đã đến lúc cần phải điều chỉnh lại Nghị định này?
- TS. Nguyễn Quang A: Dẫu có sửa đổi đến đâu thì bản thân các quy định, cách tính của Nghị định 84 hiện hành hay được sửa đổi cũng không giải quyết được căn bản vấn đề, không ngăn chặn được sự lợi dụng. Một khi còn có doanh nghiệp chi phối thị trường thì tức là chưa có cạnh tranh lành mạnh. Cần phải nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng này bằng xây dựng thị trường (tái cơ cấu lại ngành và cải thiện các luật liên quan).
Định giá không phải là việc của Bộ Tài chính
+ Những tranh cãi liên quan đến giá xăng dầu hiện nay sẽ khó chấm dứt khi tính minh bạch thông tin chưa được giải quyết. Hiện Bộ Tài chính đang tiến hành kiểm tra bốn doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để làm rõ tình hình kinh doanh lỗ, lãi. Tuy nhiên, việc không minh bạch chỉ là một phần, vấn đề là qua đó người ta nhận thấy sự “thiếu thống nhất” trong cơ chế quản lý xăng dầu của Liên Bộ Tài chính, Công thương. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
- TS. Nguyễn Quang A: Không thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin nếu hệ thống vẫn như hiện nay. Dù các Bộ có thống nhất nhau để giải quyết một vấn đề mà dứt khoát không thể giải quyết được thì cũng không mang lại kết quả gì.
Định giá xăng dầu không phải là công việc của các Bộ mà là công việc của thị trường.
Trách nhiệm quan trọng của các Bộ là phải thống nhất để tạo dựng thị trường ấy bằng việc tái cơ cấu lại ngành xăng dầu. Cụ thể là bằng các chính sách khuyến khích để hình thành thị trường cạnh tranh, ví như bằng đầu tư, ưu đãi để một hai doanh nghiệp có tiềm năng lớn nhanh hơn, đồng thời hạn chế sự “bành trướng” của Petrolimex hoặc có thể chia Petrolimex ra làm hai.
+ Hãy hình dung về kết quả kiểm tra bốn doanh nghiệp xăng dầu. Nếu đúng như doanh nghiệp nói là lỗ thì sao? Còn nếu đúng như khẳng định của Bộ Tài chính là doanh nghiệp lãi thì sẽ phải xử lý như thế nào?
- TS. Nguyễn Quang A: Chủ tịch của Petrolimex Bùi Ngọc Bảo đã nói với báo chí rằng “nói nó lỗ cũng được, bảo nó lãi cũng được”. Vấn đề chính là ở chỗ ấy. Việc kiểm tra bốn doanh nghiệp xăng dầu đợt này cũng không cải thiện được tình hình là mấy. Vấn đề là ở việc tái cơ cấu lại ngành. Đặt vấn đề kiểm tra các doanh nghiệp xăng dầu hiện thời là trúng, song dù kết quả có thế nào thì cũng sẽ khó cải thiện được tình hình. Quan trọng là phải tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường xăng dầu. Nếu được như vậy thì sẽ có sức mạnh gấp ngàn lần các cuộc kiểm tra.
Theo tôi, vẫn phải kiểm tra, kiểm toán nhưng mục đích hoàn toàn khác chứ không phải để định giá bán lẻ.
+ Từ sự việc xăng dầu, thiết nghĩ Nhà nước nên “xử lý” như thế nào với các mặt hàng có sức lan tỏa tương tự như: điện, than?
- TS. Nguyễn Quang A: Nhà nước không nên can thiệp vào việc của doanh nghiệp. Cái Nhà nước cần làm là tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, ra các chính sách tạo khuyến khích để các doanh nghiệp hoạt động theo hướng mà Nhà nước muốn đối với các chính sách ấy. Trong đó có thể tạo dựng thị trường hoàn toàn cạnh tranh về xăng dầu.
Tương tự với ngành điện cũng vậy. Ở nơi có thể tạo ra thị trường cạnh tranh như thị trường phát điện gồm các nhà máy phát điện các loại; hoặc mua sỉ điện (cũng có thể tạo ra vài công ty cạnh tranh nhau); Còn ở những nơi có độc quyền tự nhiên như: vận tải điện cao áp… thì Nhà nước phải có cơ chế giám sát hoạt động. Nguyên tắc là ở nơi nào, ở mảng nào có thể tạo ra thị trường cạnh tranh thì cần phải tạo ra thị trường đó và chủ yếu để thị trường điều tiết (Nhà nước vẫn phải giám sát). Còn ở những mảng, những nơi có độc quyền tự nhiên, thì Nhà nước phải điều tiết bằng các tổ chức điều tiết độc lập của mình chứ không phải bằng các cơ quan hành pháp.
+ Dưới góc độ điều hành các mặt hàng: xăng dầu, điện, than… Liên Bộ Tài chính – Công thương sẽ căn cứ trên 3 lợi ích: ngân sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo cách nhìn nhận của ông, nếu ưu tiên theo thứ tự thì lợi ích của người tiêu dùng nên được xếp ở vị trí nào ?
- TS. Nguyễn Quang A: Năng lượng có vai trò quyết định và ngày càng lớn trong nền kinh tế. Vấn đề không phải là liên Bộ Tài chính, Công thương mà là cả Chính phủ cũng phải có chính sách năng lượng rõ ràng.
Theo quan điểm của tôi, cả ba lợi ích đều phải được cân nhắc một cách hài hòa . Các ưu tiên có thể thay đổi tùy từng thời kỳ nhưng mục tiêu chung là phục vụ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Đấy là bài toán phức tạp mà chỉ có các tổ chức nghiên cứu mạnh mới có thể chuẩn bị các phương án để Chính phủ xem xét và quyết định trong mỗi thời kỳ.
Khi thị trường cạnh tranh lành mạnh đã hoạt động thì công cụ điều tiết của Nhà nước cơ bản chỉ còn là thuế. Việc xác định các mức thuế trong mỗi thời kỳ ra sao cho phù hợp là chuyện của Chính phủ và Bộ Tài chính. Khi đó Bộ công thương sẽ không có vai trò gì./.
+ Cám ơn ông!