Chiều 6.10, trả lời Dân Việt, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Xung quanh tình hình biến động giá xăng dầu thế giới và giá nhập khẩu giảm trong những ngày vừa qua, cơ quan quản lý cũng đã cập nhật tình hình. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn kiểm tra giá của các doanh nghiệp đầu mối nên chưa thể có động thái gì về điều chỉnh giá. “Mọi việc để sau đợt kiểm tra sẽ suy xét” - đại diện Cục Quản lý giá cho biết.
Trong 2 năm qua, người dân chứng kiến biểu đồ đi lên không lường của giá xăng dầu trong nước. Cũng chừng ấy năm, người dân vẫn phải quen với thế bị động, mặc cho giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh, trong nước mặt hàng này vẫn một mình một kiểu, chỉ hạ khi không còn “lần lữa” được nữa.
Theo diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng hợp đồng tháng 10 giảm 3 xu Mỹ, tương ứng 1,3%, xuống 2,67 USD/gallon. Rõ ràng, trong kỳ vọng, người dân vẫn mong giá xăng giảm, dù chỉ là 100 đồng. Mức giảm có thể làm cho người tiêu dùng cảm thấy được quan tâm.
Vậy, tại sao giá xăng dầu trong nước vẫn khó giảm? Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, giá xăng dầu hiện nay vẫn quản lý theo biện pháp hành chính, mang tính chất ngắn hạn. Do vậy, cơ quan quản lý thường không thể cùng nhịp với thị trường. Nghĩa là sẽ tăng trước một bước nhưng giảm chậm nhiều bước.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bình luận hiếm có nơi nào trên thế giới, ngay cả ở những nước chủ yếu sống bằng việc khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, mà giá xăng dầu lại chứa nhiều ẩn số và cả nghịch lý như ở Việt Nam. Mỗi khi giá xăng dầu tăng đều trực tiếp và gián tiếp khởi động một vòng xoáy lạm phát đan xen phức tạp và còn bị nhân bội bởi các chiêu tung tin đồn thất thiệt và đầu cơ sẽ bùng phát.
Giá xăng dầu phản ánh và cho thấy sự minh bạch, cũng như sự lành mạnh trong cơ chế thị trường của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi; đồng thời còn là thước đo và ảnh hưởng đến uy tín, cũng như hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế- xã hội.