Đề xuất thu phí qua đầu phương tiện
Trao đổi với Dân Việt chiều 3.10, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, hiện nay Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang xây dựng hai phương án thu phí cho Quỹ Bảo trì đường bộ là thu qua đầu phương tiện hoặc thu phí qua xăng dầu để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Phương án hoàn thiện sẽ trình Chính phủ trước 30.10. Tuy nhiên, ông Quyền cho biết, đến thời điểm này, Bộ GTVT cơ bản thống nhất sẽ trình Chính phủ phương án thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện.
|
Các phương án thu phí bảo trì đường bộ vẫn chưa tạo được sự đồng thuận cao từ phía doanh nghiệp và người dân.
|
Theo đó, Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ được thu trực tiếp qua đầu phương tiện cơ giới, bao gồm: Ô tô, mô tô và xe máy. Mức thu với ô tô được chia làm 7 nhóm, trong đó thấp nhất là 180.000 đồng/tháng đối với xe ô tô con và cao nhất 1.440.000 đồng/tháng đối với xe trọng tải lớn. Mức thu trực tiếp trên đầu xe ô tô sử dụng diezel cao gấp 1,5 lần so với phương tiện có cùng nhóm tải trọng. Mức thu đối với mô tô và xe máy được chia làm 4 nhóm: Thấp nhất là 80.000 đồng/năm, cao nhất 150.000 đồng/năm.
Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu phương án thu qua đầu phương tiện được phê duyệt thì cùng với ngân sách T.Ư và địa phương hàng năm cấp, quỹ sẽ vẫn giữ mức ổn định như hiện nay, đáp ứng được 80% nhu cầu kinh phí cho bảo trì đường bộ. Và sau 2 năm quỹ đi vào hoạt động thì phần ngân sách cấp có thể giảm dần và sau 12 năm thì phần thu được sẽ đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí bảo trì đường bộ.
Doanh nghiệp muốn thu qua giá xăng dầu
Trong khi chủ trương của Bộ GTVT như vậy thì phía doanh nghiệp lại có những quan điểm khác. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, những ngày qua, Hiệp hội liên tục nhận được phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đề nghị Bộ GTVT xem xét lại phương án bộ đề xuất.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, hình thức thu này sẽ không đảm bảo công bằng. Bởi các chủ xe cùng chủng loại thường có tần suất sử dụng khác nhau, kéo theo mức độ làm hư hại đường giao thông khác nhau nên đóng cùng mức phí là không công bằng.
Theo ông Hùng, ngay cả đối với một xe ôtô, mức độ sử dụng ở các thời điểm là khác nhau nên không thể đóng mức tiền như nhau ở mọi thời điểm. Vì thế, các doanh nghiệp đề nghị nên triển khai thu phí qua giá xăng dầu.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho hay phương án thu qua giá xăng dầu cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, phương án này cũng có những hạn chế riêng. Chẳng hạn, việc hoàn phí bảo trì đối với những phương tiện sử dụng xăng dầu nhưng không tham gia giao thông đường bộ như tàu thuyền của ngư dân, người sử dụng máy nổ… sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, phía Bộ Tài chính không đồng ý với phương án này vì e ngại thu qua xăng dầu sẽ làm mặt hàng nhạy cảm này tăng giá, gây sức ép làm gia tăng lạm phát.
Những người có xe ôtô nhưng không tham gia vận tải là đối tượng "chịu thiệt" nhất trong phương án này. Anh Nguyễn Ngọc Tiến (quận Thanh Xuân - Hà Nội) có chiếc xe 7 chỗ chỉ sử dụng phục vụ gia đình cho rằng nếu anh phải nộp phí bằng những chiếc taxi suốt ngày "cày" trên đường là vô lý.
|
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, khi xây dựng phương án thu qua đầu phương tiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tính đến tải trọng và tần suất sử dụng của từng loại phương tiện để đưa ra mức thu phù hợp.
Chẳng hạn, đối với xe tải trọng lớn, với tần suất sử dụng cao sẽ có mức thu phí cao; các xe ôtô con với tải trọng thấp, tần suất sử dụng thấp hơn sẽ thu phí ở mức thấp nhất. Xe động cơ chạy dầu thường được sử dụng trong kinh doanh vận tải nhiều hơn xe có động cơ chạy xăng…
Tuy nhiên, ông Quyền cũng thừa nhận rằng, ngay cả khi đã tính hết các yếu tố đó thì cũng sẽ không thể có sự công bằng tuyệt đối cho tất cả chủ xe.