Trong tháng 9, Công ty ước lỗ 200 tỷ đồng. Như vậy, lỗ 9 tháng năm 2011 của Petrolimex khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, khi báo cáo tài chính chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vừa công bố, năm 2008, đơn vị này lãi trên 913 tỉ đồng, năm 2009 lãi tiếp 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81,1 tỷ đồng và dự kiến trong năm 2011 này là 2.154 tỷ đồng. Hiếm có số liệu kinh tế không minh bạch nào bị lộ vở trắng trợn như ở Petrolimex!
Khi bị truy vấn về mâu thuẫn này, đại diện của Petrolimex đã né tránh việc trả lời vào thẳng vấn đề. Và ngay sau đó, ngày hôm sau Petrolimex lại tổ chức một buổi gặp gỡ báo chí riêng để thanh minh thanh nga bằng công thức tính giá lấy trước 2 ngày hoặc 2 ngày sau khi giao, cũng có hợp đồng giá trung bình của một tháng, dẫn đến có chuyện hàng về rồi nhưng chưa có giá, nhưng chúng tôi vẫn phải làm tờ khai hải quan theo giá tạm tính. Tuy nhiên, khi thanh toán lại là mức giá khác. Có thể một số nhà nghiên cứu lấy giá tạm tính để tính toán và cho rằng Petrolimex có lãi!?
Cách lý giải này bị các chuyên gia kinh tế gọi thẳng ra là sự “ngụy biện” và “không sòng phẳng”. Làm gì có chuyện hàng về rồi chưa có giá. Như vậy là tiền hậu bất nhất, là điều hết sức phi lý. Nghe nói có nhà đầu tư thở phào khi biết tin Petrolimex khai lỗ, nhưng khi cổ phần hóa lại nổ là lãi to. Chút nữa thì bị lừa.
Sự nhập nhèm của Petrolimex không chỉ khiến người tiêu dùng phải đặt câu hỏi về chuyện lỗ hay lãi, ngay cả việc giải thích lỗ của Petrolimex cũng khiến người ta nghi ngờ tính trung thực.
Có thể nói việc định giá hiện nay vẫn hết sức rối rắm, theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 15-12-2009, doanh nghiệp có quyền tăng giá xăng dầu cứ 10 ngày/lần nếu tăng dưới 7% và báo cáo sau, tăng từ 7 đến 12% thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% - 12%. Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp sẽ được Quỹ bình ổn giá bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (chỉ được dùng Quỹ bình ổn khi mức tăng giá trên 7%). Và trường hợp giá thế giới tăng trên 12% thì giá xăng dầu trong nước do Nhà nước quyết định. Theo các chuyên gia, cách định giá như vậy là rất nửa vời, lưỡng tính. Nếu độc quyền thì nên để Nhà nước định, còn nếu cho phép cạnh tranh theo thị trường thì để doanh nghiệp định giá.
Chính sự không minh bạch trong tính giá xăng, dầu này cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp xăng dầu luôn kêu lỗ hơn là báo cáo lãi. Vì khi lỗ sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể là việc bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng khi Nhà nước muốn giữ giá. May mà ngành Tài chính đã vào cuộc và sẽ kiểm tra cụ thể.