Thông tin này được một đại diện đoàn kiểm tra tại Petrolimex xác nhận. Trong khi đó, ba doanh nghiệp còn lại do ở phía Nam, mất thời gian đi lại, chuẩn bị chỗ ăn ở… nên ngày 26/9 mới có thể bắt đầu thực hiện việc kiểm tra.
Về thời gian, do đoàn chỉ có 4-5 người nên việc kiểm tra đối với Petrolimex khá vất vả, có thể kéo dài hơn dự kiến trước đó là 7-10 ngày. Petrolimex lại là doanh nghiệp có thị phần xăng dầu lớn nhất, chiếm tới 60% nên khối lượng công việc nhiều hơn ba doanh nghiệp còn lại.
Ngoài ra, phạm vi kiểm tra tại Petrolimex cũng rộng hơn ba doanh nghiệp còn lại do tập đoàn này có Ngân hàng riêng, vì lượng nhập lớn nên số liệu hải quan cũng cần phải kiểm tra rất cẩn thận.
“Với khối lượng công việc nhiều như vậy mà trong trường hợp Petrolimex không đáp ứng kịp tài liệu thì thời gian kiểm tra chắc chắn sẽ kéo dài hơn quy định”, đại diện này nói.
|
Petrolimex là đơn vị được kiểm tra đầu tiên (Ảnh: Thuỵ Khuê) |
Tuy vậy, vị này cũng nhận định, đây chỉ là đợt kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp đầu mối theo đúng chức năng của Bộ Tài chính chứ không “phức tạp” như một đợt kiểm toán độc lập. Mục tiêu của đợt kiểm tra này là làm rõ doanh nghiệp lỗ hay lãi tại thời điểm kiểm tra và cụ thể lỗ, lãi bao nhiêu để từ đó giúp Bộ Tài chính có cơ sở xác định đúng giá bán lẻ, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp quản lý, quản trị, hạch toán kinh doanh tốt hơn, tránh những biến động giá không tốt về sau này làm ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Trả lời Tổ Quốc về việc liệu có xảy ra tình trạng thiếu minh bạch về số liệu hải quan, ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng Cục trưởng Tổng Cục hải quan khẳng định, số liệu hải quan luôn minh bạch và chắc chắn sẽ không có tình trạng sai lệch trong việc cung cấp số liệu nhập khẩu của mặt hàng xăng dầu tại Hải quan.
Ông Túc cũng cho hay, hiện Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành rà soát các số liệu nhập khẩu của các doanh nghiệp xăng dầu, bao gồm giá nhập khẩu, lượng hàng nhập khẩu, các khoản thuế... để phục vụ tốt hơn cho công tác kiểm tra về xăng dầu của các tổ kiểm tra.
Tâm điểm thông tin về thị trường xăng dầu hiện nay là sự “vênh” nhau trong số liệu về lỗ, lãi giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương và doanh nghiệp đầu mối.
Theo tiết lộ của Tổng Giám đốc một Tổng Công ty xăng dầu tại Hà Nội thì việc kiểm tra đợt này sẽ không đơn giản do hoạt động kinh doanh xăng dầu có đặc điểm khá phức tạp. Công thức tính giá cơ sở để tính giá bán lẻ xăng dầu không hề đơn giản và có nhiều thành phần mang tính biến động.
Vị này cũng cho rằng, lợi thế của Petrolimex là có lượng hàng nhập khẩu lớn nên các loại phí giao dịch, phí vận tải… rẻ hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Thêm nữa, Petrolimex còn có thuận lợi về kho nhập, hệ thống kho dự trữ, cầu cảng…trong khi các doanh nghiệp khác phải mất chi phí khá nhiều cho những mặt này. Vì vậy, đây cũng chính là nguyên nhân để đợt kiểm tra lần này làm rõ tại sao Petrolimex với nhiều ưu đãi như vậy mà vẫn kêu lỗ./.
|