|
Khó có thể tin khi Petrolimex công bố năm 2008 lỗ đến 10.700 tỷ đồng, thì trong bản cáo bạch tháng 7/2011 để IPO lại lãi 913 tỷ đồng? |
Cú "đánh bồi" kéo tăng lạm phát
Chỉ sau gần hai tháng nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, khẩu khí phản biện cương trực và quyết đoán của ông Vương Đình Huệ trong cuộc đối thoại với "nhóm lợi ích" xăng dầu đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Cùng với việc phân tích mổ xẻ của báo giới về quá nhiều bất cập tồn tại trong ngành xăng dầu, rất nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến ủng hộ thái độ và cách thức hành xử của Bộ Tài chính khi thẩm định giá xăng dầu lần này.
Cũng cần nhấn mạnh từ "lần này", bởi hầu như những lần trước đây, cơ chế tăng giá xăng dầu đã được đề đạt theo truyền thống "đến hẹn lại lên", thậm chí giá dầu thế giới không "hẹn" mà giá xăng dầu trong nước cũng vẫn "lên". Nhiều lý do, và bao giờ cũng có lý do, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuyết minh và thuyết phục Bộ Tài chính chấp thuận phương án tăng giá.
Mấy tháng gần đây, khi giá dầu thế giới giảm mạnh, dường như cực chẳng đã giá xăng dầu trong nước mới giảm nhỏ giọt. Tăng thì vô tộ vạ, còn giảm chẳng đáng bao nhiêu. Gánh nặng chi phí vì thế cứ đổ hết lên đầu người dân và các doanh nghiệp sản xuất. Còn khi giá dầu thế giới vừa chớm tăng lại (mới chỉ chớm thôi), thì ngay lập tức đã xuất hiện điệp khúc trình phương án tăng giá do những diễn viên doanh nghiệp xăng dầu đóng vai chính.
Điệp khúc xin tăng giá lại hiện ra ngay khi "bóng ma" lạm phát vừa chớm thoái lui. Từ đầu năm đến nay, kinh tế đình trệ, số doanh nghiệp trong các ngành sản xuất bị phá sản tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát dốc đứng, kéo theo giá cả hàng tiêu dùng và thực phẩm phi mã làm khốn đốn những người dân có mức thu nhập trung bình trở xuống.
Vậy, chúng ta nên nói thế nào về điệp khúc tăng giá xăng dầu? Lợi nhuận lũy kế đến nay và có thể cả sắp tới sẽ dành hết cho 11 doanh nghiệp xăng dầu, hay cần diễn đạt vấn đề theo hàm ý của bộ trưởng Vương Đình Huệ - không thể vì 11 thành viên của "nhóm lợi ích này" mà lãng quên 84 triệu dân Việt Nam?
Khẩu khí sắc sảo và chí lý của Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã thuyết phục người dân hơn rất nhiều so với lời "trần tình" về lỗ lãi của Petrolimex. Làm sao người dân có thể tin rằng Petrolimex, khi công bố con số lỗ trong năm 2008 đến 10.700 tỷ đồng, thì trong bản cáo bạch của đơn vị này (được công bố vào tháng 7/2011 nhằm phục vụ cho hoạt động cổ phần hóa) lại nêu ra số lãi 913 tỷ đồng cũng trong năm 2008?
Đó là một sự tréo ngoe và đánh đố đối với người dân, và đương nhiên là thách thức lớn với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chính Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Những cơ quan quản lý này nhiều năm nay đã chưa xem xét thấu đáo những gì ẩn chứa sau chuyện lời thật lỗ giả của Petrolimex.
Có nhiều ẩn chứa đã bị bỏ qua trong những năm qua. Nhiều lần giá xăng dầu cũng đã tăng, bất kể vô số bức xúc của người tiêu dùng. Muốn làm rõ trắng đen chuyện này, chỉ còn cách kiểm tra, kiểm toán. Mà công việc này lại là sở trường và kinh nghiệm đến mười năm làm việc của ông Vương Đình Huệ. Bởi thế, có hy vọng rằng lần này, chính là lần này chứ không như những lần trước đây, "công nghệ" báo lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu sẽ không qua được con mắt nghiêm nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Cần thanh tra toàn diện "nhóm lợi ích" xăng dầu
Sẽ không có bất kỳ văn bản chính sách nào được thực thi nghiêm minh nếu không được kèm theo công tác hậu kiểm và chế tài. Hãy nhìn sang Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước về thực hiện đúng quy định trần lãi suất huy động 14% đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Nếu như 6 tháng trước, cũng Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định này nhưng sau đó đã bị các ngân hàng xé rào thoải mái, thì chỉ với một vài động tác kiểm tra và xử lý nghiêm khắc vào đầu tháng 9/2011, trật tự lãi suất đã được lập lại.
Với các doanh nghiệp xăng dầu, ngoài chức năng kinh doanh, nhiệm vụ của họ còn tương tự như các ngân hàng - bình ổn giá và do đó bình ổn tiền tệ. Trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, bình ổn tiền tệ tức sẽ bình ổn được những biến động của lạm phát. Nếu cứ để giá xăng dầu tăng vọt theo từng chu kỳ thì giá điện, giá hàng tiêu dùng và thực phẩm cũng ồn ào chạy theo, gây biến động mạnh và tiêu cực đối với nền kinh tế còn đang trong giai đoạn hồi sức.
Không biết có phải do ngẫu nhiên hay không, nhưng đề nghị tăng giá của 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại khá khớp với thời điểm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập phương án tăng giá điện. Một "chiến dịch tổng lực" chăng? Giả dụ được chấp thuận, chiến dịch này sẽ mang lại cho người dân cái gì, hay là cơ hội để lạm phát bật trở lại, vùi dập công sức kiềm chế của Chính phủ trong mấy tháng qua?
Tính đến tháng 6/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã mang trên mình gánh nặng lỗ lũy kế trên 31.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2010 đã lỗ đến trên 23.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những đơn vị có tỷ lệ và giá trị vốn đầu tư ra ngoài ngành cao nhất, nhiều nhất. Với "gánh nặng sơn hà" khủng khiếp như thế, nền kinh tế không bị suy sụp mới là chuyện lạ.
Bởi vậy, việc Bộ Tài chính vừa thành lập 3 tổ kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại Petrolimex và 3 đơn vị đầu mối khác là một động tác rất cần thiết. Hoạt động này sẽ tạo cơ sở cho Bộ hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, trong đó đặc biệt là quản lý sự tự tung tự tác của các doanh nghiệp xăng dầu trong nhiều năm qua.
Và cũng giống như cơ chế kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, việc chế tài có thể là hiệu ứng mà Bộ Tài chính muốn nhắm tới thông qua công cụ kiểm tra.
Với phần lớn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc kiểm tra nên được quan tâm không chỉ ở khía cạnh tăng giá xăng và còn từ nguồn cơn của nó. Nguồn cơn ấy xuất phát từ tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan mà đã dẫn đến những hậu quả thua lỗ lớn, gần tương tự như hệ quả đã xảy đến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong những năm qua, bảo hiểm, chứng khoán và bất động sản vẫn là những ngành được cơ chế đầu tư ngoài ngành này ưu tiên. Thế nhưng ai cũng biết là chứng khoán đã bĩ cực như thế nào, còn doanh nghiệp bất động sản thì đang trong tình trạng chết lâm sàng.
Hiển nhiên, tiền đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp xăng dầu cũng khó thoát khỏi cảnh đổ vỡ của các doanh nghiệp chứng khoán và bất động sản. Giờ đây, để bù vào cái khoản "thất thoát" của mình, chẳng lẽ doanh nghiệp xăng dầu lại cứ một sách tăng giá, tìm cách trút hết đống nợ nần lên đôi bờ vai mòn mỏi của người dân?
Có thể, Chính phủ và các cơ quan quản lý đang nhận ra sự việc đã có vẻ vượt quá tầm kiểm soát. Bởi thế, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã không ngần ngại khi tuyên bố những doanh nghiệp xăng dầu nào từ chối yêu cầu của bộ thì có thể rút lui ngay lập tức. Sẽ có những đơn vị khác trám vào chỗ của "nhóm lợi ích" không thỏa mãn với quyền lợi cá nhân của họ.
Đã đến lúc cần có một cuộc thanh tra toàn diện về tình hình tài chính và về những con số lãi, lỗ đang ẩn giấu trong khối doanh nghiệp xăng dầu - một thực trạng mập mờ kéo dài nhiều năm qua khiến cho dư luận nhân dân rất bức xúc. Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu cách tự tung tác của họ bằng những hình thức chế tài và kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí bằng sự răn đe của pháp luật.
Vì 84 triệu người dân và sự sinh tồn của nền kinh tế, chứ không phải vì 11 doanh nghiệp mang tính cá thể, cần có một cuộc cách mạng trong ngành xăng dầu. Và cũng như sự cần thiết phải tinh giản khoảng 15-20% số ngân hàng thương mại yếu kém, có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại khả năng tồn tại tự thân nếu không bám víu vào chuyện tăng giá của một số doanh nghiệp xăng dầu nào đó.