Theo thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú thì cách điều hành của bộ Tài chính sẽ khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn rơi vào cảnh thua lỗ, và vì thế có thể ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Đây cũng là ý kiến của các lãnh đạo các tổng công ty kinh doanh xăng dầu, như ông Bùi Ngọc Bảo – chủ tịch Petrolimex và ông Vương Đình Dung – tổng giám đốc tổng công ty Xăng dầu quân đội. Đáp lại, ông Vương Đình Huệ khẳng định rằng, cách điều hành như vậy là cần thiết vì Petrolimex và PV Oil chiếm đến 90% thị phần của thị trường xăng dầu Việt Nam. Quyết định của bộ Tài chính một mặt đảm bảo cho doanh nghiệp không thua lỗ, nhưng mặt khác góp phần vào việc kiểm soát tốc độ tăng giá của Việt Nam.
Minh bạch hoá là chưa đủ
|
Đặt ra các rào cản khống chế sự bành trướng thị phần của Petrolimex, trong khi đó khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cạnh tranh để mở rộng thị phần là một trong những giải pháp cứu thị trường xăng dầu. |
Theo quan điểm của người viết, với một thị trường độc quyền đầu sỏ (oligopoly) với một công ty thống lĩnh (dominant firm) như thị trường xăng dầu của Việt Nam, thì việc kiểm toán chặt chẽ và công khai các đơn vị có vị thế độc quyền như Petrolimex là cần thiết.
Trong một thị trường đầu sỏ, công ty có vị thế thống trị có khả năng định giá bán có lợi cho mình. Để có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp này không có các hành vi thu lợi quá lớn, chính phủ các nước đều có các biện pháp can thiệp về giá. Về cơ bản giá bán sẽ được tính toán dựa trên chi phí bình quân của doanh nghiệp này cộng với một mức lãi nhất định.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ giám sát chi phí bình quân của các doanh nghiệp để đảm bảo rằng các doanh nghiệp này hạch toán đúng. Có lẽ trước việc bộ Công thương và các tổng công ty xăng dầu kêu lỗ do duy trì mức giá bán thấp quá lâu (thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực), bộ Tài chính đã quyết định thành lập tổ kiểm tra giá nhập khẩu tại doanh nghiệp chiếm trên 60% thị phần là Petrolimex và ba đơn vị đầu mối khác. Mục đích của đợt kiểm tra này là xác định giá vốn các mặt hàng xăng dầu tồn kho tính đến ngày 26.8.2011, giá nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 1.1.2011 – 15.9.2011, và rà soát các khoản chi phí thực tế liên quan đến kinh doanh của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh xăng, dầu. Thực chất các hoạt động này nhằm để xác định liệu việc tính toán chi phí bình quân của các doanh nghiệp xăng dầu có vị thế thống trị có đúng hay không.
Tuy nhiên, giải pháp minh bạch hoá thông tin liên quan đến chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước là chưa đủ. Công việc này, thứ nhất, rất tốn kém. Việc kiểm toán thường xuyên chi phí của từng mặt hàng của các doanh nghiệp không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp minh bạch nhất cũng chỉ có thể xây dựng các báo cáo tài chính định kỳ một quý một lần. Để giảm chi phí kiểm soát, cơ quan quản lý thường dựa trên một công thức tính toán giá xăng dầu được duy trì cả vài năm. Rõ ràng, một công thức tính toán như vậy sẽ không thể nào phản ánh được hết các diễn biến thị trường.
Thứ hai, ngay cả khi việc xác định chi phí bình quân là chính xác thì điều hành theo cách này không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng cao năng suất để giảm chi phí. Giá bán luôn bao gồm hết chi phí bình quân của doanh nghiệp nên doanh nghiệp không cần thiết giảm chi phí vẫn có được mức lãi theo quy định. Đó chính là lý do mà từ cuối thập kỷ 1980 trở lại đây, các quốc gia đã phải áp dụng các giải pháp thị trường để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường xăng dầu.
Giải pháp thị trường
Nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu của Việt Nam không hoạt động cạnh tranh được như thị trường viễn thông di động là vì Petrolimex chiếm tới 60% thị phần và PV Oil chiếm đến 30% thị phần cả nước. Tương tự các lĩnh vực viễn thông và điện, xăng dầu là lĩnh vực có độ tập trung ngành cao (tức thường được kiểm soát bởi ba hoặc bốn doanh nghiệp). Hay nói cách khác bản chất của các thị trường này là thị trường đầu sỏ. Để ngăn chặn thị trường này bị lũng đoạn giá bởi các doanh nghiệp đầu sỏ, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, chính quyền cần phải làm hai việc sau.
Thứ nhất là phải chuyển mô hình thị trường độc quyền đầu sỏ có một công ty thống lĩnh sang mô hình thị trường đầu sỏ đua tranh (Cournot-Nash model). Trong mô hình này các công ty đầu sỏ có thị phần tương đối bằng nhau. Khi không có công ty nào thống lĩnh các công ty này sẽ luôn phải đua tranh nhau để duy trì thị phần. Kết quả là không có công ty nào được hưởng lợi nhuận tuyệt đối.
Để theo đuổi mô hình này thì Chính phủ có thể tiếp cận theo hai cách. Cách thứ nhất và nhanh nhất là tách Petrolimex làm hai tổng công ty. Giải pháp này đã từng được các nước phương Tây tiến hành để chống độc quyền. Chẳng hạn, Mỹ đã từng tách các công ty Standard Oil, AT&T, v.v. ra thành nhiều công ty nhỏ để chống độc quyền. Với giải pháp này, thị trường xăng dầu sẽ có ba công ty có thị phần tương đương nhau. Petrolimex 1, Petrolimex 2, và PV Oil đều chiếm lĩnh 30% thị phần. Để có thể tìm kiếm được lợi nhuận, ba doanh nghiệp này bắt buộc phải cạnh tranh nhau về giá thay vì bám chặt vào một mức giá chung như hiện nay.
Giải pháp thứ hai là đặt ra các rào cản khống chế sự bành trướng thị phần của Petrolimex, trong khi đó khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cạnh tranh để mở rộng thị phần. Chẳng hạn, một mặt có thể yêu cầu Petrolimex luôn phải bán xăng dầu theo giá mà bộ Tài chính quy định, dựa trên chi phí bình quân và chỉ cho phép mở rộng thêm các điểm bán lẻ xăng dầu nếu hạ được chi phí bình quân. Mặt khác, bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp khác bán giá cạnh tranh với nhau, tức có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá của Petrolimex. Dựa trên khoảng cách giá giữa các doanh nghiệp nhỏ với giá chuẩn của Petrolimex, bộ Công thương sẽ cấp giấy phép mở rộng các điểm bán lẻ cho các doanh nghiệp nhỏ khác ở mức độ tương ứng. Với giải pháp này, sau một thời gian nhất định sẽ xuất hiện một hoặc hai công ty nổi trội và giành được nhiều thị phần hơn. Kết quả cuối cùng vẫn là đưa thị phần của các doanh nghiệp đầu sỏ về mức tương đương nhau.
Giải pháp thứ hai thực ra đã được áp dụng cho thị trường viễn thông Việt Nam. Khi Viettel mới gia nhập ngành, bộ Công thương có chính sách rất đúng đắn là ngăn cản Mobifone và Vinaphone hạ giá thấp, trong khi cho phép các công ty điện thoại di động nhỏ thực hiện chính sách hạ giá để mở rộng thị phần. Kết quả là sau một thời gian vài năm, Viettel đã nổi lên thành một nhà cung cấp mạng viễn thông di động có thị phần tương đương với Mobifone và Vinaphone.
Thị trường viễn thông của Việt Nam đã trở thành một thị trường cạnh tranh. Song song với việc chuyển đổi mô hình thị trường đầu sỏ trên, Chính phủ nên xây dựng các biện pháp giám sát thị trường hiệu quả để đảm bảo rằng các công ty đầu sỏ không thông đồng giá với nhau. Đây là một công việc có tính dài hạn để chống các hành vi vi phạm luật Cạnh tranh mà Việt Nam đã ban hành từ năm 2004.