Sẽ chẳng có doanh nghiệp nào rút lui. Đó là câu trả lời chắc chắn. Điều này được chứng minh ngay tại Petrolimex, doanh nghiệp chiếm 60% thị phần kinh doanh xăng dầu trong nước hiện nay. Mang tới hội nghị con số lỗ lên tới 2.000 tỉ đồng để tạo áp lực tăng giá cũng như phản đối chuyện giảm giá xăng 500 đồng/lít trước đó của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, sự thiếu trung thực của Petrolimex đã được Bộ trưởng vạch rõ bằng những số liệu thuyết phục. Cụ thể, vào thời điểm giảm giá xăng nói trên, Petrolimex đang lãi tới cả 1.000 đồng/lít. Trước đó, trong bản cáo bạch để chuẩn bị cho việc niêm yết của mình, tổng công ty này cũng khẳng định, họ lãi tới gần 900 tỉ đồng trong năm nay.
Thực ra, câu chuyện lỗ ảo, lãi thật của Petrolimex cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là chuyện ai cũng biết. Bởi "chiếu" theo quy luật thì kinh doanh phải có lãi mới tồn tại và phát triển được. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của ta lâu nay chỉ than lỗ, lỗ nặng, lỗ triền miên nhưng vẫn sống khỏe. Tuyệt không có doanh nghiệp nào phá sản, rút lui, hay có ý định nhường sân cho doanh nghiệp khác... Nên chỉ có một giải thích duy nhất, thuyết phục nhất và cũng chính là sự thật, họ có lãi.
Có lãi nhưng đòi tăng giá, có lãi nhưng kêu lỗ, có lãi nhưng dọa sẽ không nhập khẩu, không dự trữ xăng dầu nếu không được bù lỗ... Đó là hình ảnh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, lạm phát đe dọa, cuộc sống người dân khó khăn, Chính phủ đang nỗ lực hết sức mình để kéo giá cả hàng hóa tiêu dùng xuống thì việc tìm mọi cách, mọi cơ hội để tối đa hóa lợi nhuận cho riêng mình của ngành xăng dầu gây bức xúc cho dư luận. Vì vậy, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc "ai sẽ rút lui" mà đây chính là thời điểm phải tiến hành cuộc "đại phẫu" ngành xăng dầu.
Những doanh nghiệp thiếu trung thực, doanh nghiệp năng lực kém cần được loại bỏ để nhường sân cho những doanh nghiệp khác. Chúng ta tuyên bố cơ chế thị trường cho ngành xăng dầu thì không chỉ dừng lại ở việc "làm được" hay “không làm được" mà phải là làm tốt, làm giỏi. Mà muốn làm tốt, làm giỏi thì phải có một thị trường cạnh tranh thật sự. Còn nếu vẫn duy trì tình trạng 1 doanh nghiệp chiếm tới 60% thị phần, 3 doanh nghiệp chiếm 90% thị phần như hiện nay thì khó nói đến cơ chế thị trường và tình trạng lỗ ảo lãi thật, tình trạng giá xăng chỉ tăng không giảm... sẽ còn tiếp tục.