|
Ảnh: Chinhphu.vn |
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại Hội thảo "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/9.
Có thể nói, giá xăng dầu có ảnh hưởng mạnh đến tình hình lạm phát ở nước ta, bởi mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu đều tác động đến giá cả lẫn tâm lý. Vì vậy, việc điều hành giá xăng dầu trong tình hình hiện nay đảm bảo được hài hòa lợi ích các bên là yêu cầu bức thiết.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp xăng dầu đã nêu những khó khăn, nhất là tình trạng bị lỗ kéo dài, giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn nhiều so với Lào và Thái Lan…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, vừa qua điều hành giá xăng dầu chưa thật nhất quán. Lãnh đạo Bộ này cho rằng nếu không điều chỉnh giá xăng trong bối cảnh doanh nghiệp bị lỗ thì có thể ảnh hưởng tới hệ thống phân phối.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, song song với việc đề nghị các đơn vị kinh doanh xăng, dầu chưa tăng giá, Bộ đang tiến hành kiểm tra tình hình các đơn vị kinh doanh, xăng dầu, từ đó có giải pháp phù hợp. Đồng thời, Quỹ Bình ổn xăng dầu sẽ được sử dụng nếu cần thiết. Bên cạnh các biện pháp điều hành về thuế, phí, thì Quỹ này cũng là công cụ điều tiết giá quan trọng.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, phải kiên trì điều hành giá xăng dầu theo thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt phải dựa trên cơ sở minh bạch chính sách và thông tin. Không thể để doanh nghiệp tự định giá, bởi như vậy thị trường sẽ bị lũng đoạn, người mua không có quyền lựa chọn, giá sẽ bị các doanh nghiệp định đoạt theo ý mình
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp kêu lỗ nhưng nguyên nhân một phần do các chi phí bất hợp lý, không áp dụng linh hoạt các biện pháp đầy đủ, ví dụ như sử dụng quyền chọn mua, chọn bán, định đoạt tỷ giá, giảm chiết khấu mạng lưới tiêu thụ, chi phí kinh doanh, bộ máy gián tiếp….
Những khoản lỗ do chi phí bất hợp lý, do quản trị điều hành và dự báo rủi ro kém thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Nhà nước chỉ hỗ trợ giải quyết các khoản lỗ do lý do khách quan.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa ý thức đầy đủ việc chia sẻ khó khăn với Chính phủ và người dân. Có những lúc Nhà nước hỗ trợ vài ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp nhưng khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp lại kêu khó, gây sức ép yêu cầu tăng giá xăng.
Bộ trưởng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải có trách nhiệm không để ảnh hưởng đến việc lưu thông xăng dầu, nếu doanh nghiệp nào không tham gia thì sẽ thay thế bằng các đơn vị cung ứng khác. Quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể đặt trên quyền lợi của hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác cũng như 86 triệu người tiêu dùng cả nước.