Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Dân thiệt nhiều hơn lợi!
9/20/2011 7:50:00 AMTin trong nước

Ở Việt Nam, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang chịu nhiều chỉ trích hơn là khen ngợi, cả về cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng...

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Chile, Mexico… sử dụng như một công cụ tài chính bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.
 
"Mượn đầu heo nấu cháo"

Hơn 2 năm qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt là Quỹ) được thiết kế và vận hành như là một giải pháp thử nghiệm từ vận dụng kinh nghiệm quốc tế, cũng như kế thừa thực tiễn vận hành Quỹ bình ổn giá quốc gia. Thực tế cho thấy, hoạt động của Quỹ đã góp phần nhất định vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu trong một số thời gian nhạy cảm và ở mức cần thiết.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cả trong cơ chế hiện hành, lẫn trong triển vọng hoạt động của Quỹ. Điều đáng nói đầu tiên là, hoạt động trích lập Quỹ qua giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi.

Cụ thể, về bản chất, nguồn thu của Quỹ là giá xăng dầu thực mua mà người tiêu dùng phải trả và ứng trước cho Quỹ xét theo sự trọn vẹn của một quy trình trích lập và "xả" Quỹ để giữ bình ổn giá về danh nghĩa. Nói cách khác, thực chất người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá "rẻ" hơn khi "xả" Quỹ.  Cảnh "mượn đầu heo nấu cháo" này khiến người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi "xả" Quỹ, song lại luôn chịu thiệt thòi do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho Quỹ, như kiểu "cho vay không lãi". Rốt cuộc, dường như chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức, cũng như "không có gì để mất" từ mọi hoạt động thu-chi Quỹ...

Các doanh nghiệp kinh doanh lại đòi tăng giá khi giá xăng dầu vừa giảm chưa được bao lâu. Ảnh: Chí Cương

"Méo" thị trường, "lộ" khe hở

Cơ chế hoạt động hiện hành của Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính trực tiếp, với thiên hướng mục tiêu thường ngược với xu hướng động thái thị trường thế giới. Cụ thể, hoặc làm tăng giá bán do yêu cầu tăng trích lập quỹ trong khi giá dầu thế giới giảm, hoặc làm giảm giá bán do yêu cầu "xả" quỹ để giữ ổn định giá khi giá thế giới tăng. Chính tính chất đặc trưng này của Quỹ đã trực tiếp và gián tiếp làm méo mó giá cả thị trường mỗi khi Quỹ vận hành, cả lúc "trích" và "xả" quỹ. Các động thái cung - cầu xăng dầu, cũng như hoạt động dự báo và hạch toán kinh doanh thị trường khác dễ trở nên nhiễu loạn. Cơ chế này còn làm tổn hại và chậm lại quá trình tạo đột phá để hoàn thiện thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường.

Không chỉ vậy, việc ủy thác quản lý thu  trích lập và chi dùng Quỹ cho doanh nghiệp có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ.

 Sự lạm dụng có thể đến từ 2 phía: Lạm dụng từ kẽ hở khó lấp đầy của quy trình hành chính theo "cơ chế xin - cho" cả về mức, cũng như về thời điểm trích lập và chi tiêu Quỹ trong quan hệ giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp khi giá cả biến động dù tăng hay giảm; Lạm dụng từ những "mẹo mực" kế toán, sự tính toán, khai báo, đo lường và thủ thuật gian lận khác về  mức độ, thời điểm và số lượng xăng dầu nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho thực với số liệu báo cáo khi trích lập và xả Quỹ.

Việc Quỹ để lại tài khoản (dù riêng) của doanh nghiệp, cũng khiến không phải chỉ có một nguồn Quỹ tập trung, mà có tới nhiều Quỹ khác nhau ứng với số các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được ủy thác quyền quản lý. Tình trạng phân tán Quỹ này làm phát sinh các chi phí quản lý của cả doanh nghiệp, cũng như của cơ quan chức năng Nhà nước.

Hiệu quả thấp, thiếu ổn định... cao!

Bất chấp những cố gắng giải trình của cơ quan hữu quan, dư luận dường như nghi ngờ nhiều hơn vào tính hiệu quả thực sự của Quỹ trên thực tế, cũng như ngay cả vị thế ổn định của Quỹ trong tương lai. Phần lớn thời gian và mức độ những chỉ trích về Quỹ dường như đều gắn với sự thiếu minh bạch, trách nhiệm giải trình và khó thuyết phục của những biện minh cho việc cần trích mức bao nhiêu và đã đến lúc tăng hay giảm giá, lỗ hay lãi của kinh doanh xăng dầu...

Thậm chí, nói cho công bằng, ngay cả thành tích "nán níu", làm chậm lại quá trình tăng giá cuối năm 2010 - đầu năm 2011 kể trên cũng không phải do sử dụng Quỹ, mà còn là hệ quả của các công cụ tài chính và hành chính Nhà nước khác. Cuối cùng thì cú sốc tăng giá xăng dầu đầu tháng 2/2011, cũng như áp lực tăng, giảm giá xăng dầu về sau đã và sẽ mặc nhiên phủ định "tác dụng kỹ thuật" có tính hình thức của cái gọi là hiệu quả bình ổn giá của Quỹ trong thời điểm trước đó.

Hơn nữa, khi mà Quỹ bình ổn giá quốc gia đã bị dừng hoạt động do không còn phù hợp với cam kết WTO thì liệu Quỹ bình ổn giá xăng dầu và một loạt quỹ khác tương tự (có thể là Quỹ bình ổn giá điện...) có được phép tồn tại lâu dài, nhất là trong lộ trình thị trường hóa giá cả và cạnh tranh thị trường đầy đủ ngày càng kề cận và chẳng thể đặng đừng?
 

Cơ chế Quỹ cũng như phân cấp quản lý xăng dầu hiện hành khó cho phép bóc tách, phân biệt các hoạt động kinh doanh xăng dầu với quản lý dự trữ xăng dầu cho bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Điều này dễ gây lãng phí, chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước, cũng như dễ tạo cơ hội cho sự lạm dụng và hạch toán thiếu minh bạch vì lợi ích nhóm, cục bộ, nhưng nhân danh "nhiệm vụ chính trị" trong lĩnh vực xăng dầu…

TS. Nguyễn Minh Phong

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent