|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Bộ Tài chính vừa báo cáo đánh giá toàn cảnh việc hình thành, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu sau khi có ý kiến khác nhau về cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng quỹ.
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn.
Ví dụ, nếu không được sử dụng quỹ bình ổn giá thì ngay trong thời điểm Tết nguyên đán 2011 vừa qua đã phải điều chỉnh giá lên 700 - 1.200 đồng/lít mà không thể giữ ổn định giá cho đến ngày 24/2/2011 và mức giá phải tăng từ 3.510 - 5.850 đồng/lít chứ không chỉ từ 2.110 - 3.550 đồng/lít.
Cũng theo Bộ Tài chính, nếu không có quỹ bình ổn giá sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, ví dụ từ ngày 22/10/2010 đến ngày 24/2/2011 sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu ít nhất 4 lần tương ứng với các lần tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá.
Tuy nhiên, hiện nay cũng còn một số ý kiến khác nhau về quỹ bình ổn giá xăng dầu: cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng quỹ... Lãnh đạo Bộ Tài chính đang chỉ đạo sơ kết, hội thảo, đánh giá sau đó sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ để đưa ra quyết định phù hợp.
Trước đó, ngày 19/7/2011, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua để trình Quốc hội dự thảo Luật Giá thay thế Pháp lệnh Giá (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2011 và thông qua trong năm 2012), trong đó có bổ sung cụ thể biện pháp bình ổn giá: "Lập quỹ bình ổn giá; sử dụng quỹ bình ổn giá đối với loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá".
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Cụ thể, ngày 24/2 tăng giá xăng dầu thêm 2.110 - 3.550 đồng/lít (kg); ngày 29/3 tăng thêm 2.000 - 2.800 đồng/lít (kg), ngày 26/8 điều chỉnh giảm 300 - 500 đồng/lít.
Hiện nay kiểm toán nhà nước đang tiến hành kiểm toán việc trích lập, sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và tại Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.