Theo quy định tại Nghị định 84, về kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu dựa trên giá cơ sở (gồm các loại chi phí, giá thành, định mức lợi nhuận...). Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Viện Kinh tế Xã hội Hà Nội), nếu chỉ căn cứ vào giá cơ sở thì không thể nói là giá xăng dầu minh bạch.
Bởi một số yếu tố cấu thành giá cơ sở của xăng dầu, như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trước thuế, do các cơ quan nhà nước ban hành, chứ không phải là giá vốn của doanh nghiệp, nên việc doanh nghiệp nói lỗ hay lãi cũng chẳng biết đâu mà lần.
Bởi thế, trong tháng 6-2011, chính đại diện Petrolimex đã tiết lộ do cơ chế điều hành, hướng dẫn không rõ, nên đã làm mất cơ hội giảm giá xăng dầu. Cơ hội ấy trở lại vào đầu tháng 8-2011, khi mức giá giao dịch xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm sâu (còn khoảng 118-119 USD/thùng), thì Bộ Tài chính đã quyết định không giảm giá.
Đến ngày 24-8 xăng A92 có giá 120,5 USD/thùng và ngày 25-8 là 122,09 USD/thùng, thì bộ này lại bất ngờ quyết định giảm giá nhỏ giọt, từ 300-500 đồng/lít xăng dầu vào ngày 26-8.
Quyết định giảm giá xăng dầu nhỏ giọt vào thời điểm đó, chỉ tăng thêm sự bức xúc của người dân, bởi điều này chứng tỏ, ở những thời điểm trước đó cũng có cơ sở để giảm giá bán lẻ xăng dầu (vì giá thế giới còn giảm sâu hơn).
Sự tù mù về giá bán lẻ xăng dầu, còn thể hiện ở cả việc chiết khấu cho các đại lý. Theo quy định, các đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân (đầu mối). Có nghĩa, quyền quyết định tỷ lệ chiết khấu phụ thuộc phần nhiều vào doanh nghiệp đầu mối. Nhưng hiện tỷ lệ chiết khấu giá bán lẻ mỗi nơi mỗi lúc một kiểu.
Do cách quản lý nửa vời, nên có thời điểm chính các doanh nghiệp đầu mối bán lẻ xăng dầu cũng phải thừa nhận, lợi nhuận của doanh nghiệp đầu mối đang bị chuyển qua các đại lý bán lẻ. Còn lợi nhuận ấy được phân phối cho ai, chỉ chủ đại lý biết.
Giá xăng dầu tác động đến tất cả người dân. Nên ở góc độ nào đó, sự minh bạch giá xăng dầu, chính là sự tạo dựng niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền.