Kết quả kiểm toán quỹ bình ổn sẽ được công bố tại đơn vị được kiểm toán khi hoàn tất theo Nghị định 91 của Chính phủ; sau đó sẽ được công khai trong chương trình công bố báo cáo kiểm toán hằng năm của KTNN (dự kiến tháng 7 hoặc tháng 8.2012).
Về việc sử dụng quỹ bình ổn xăng, dầu thời gian qua làm dấy lên nhiều câu hỏi của người dân và dư luận về tính hiệu quả, ông Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, việc điều chỉnh giá trong nước không phải sẽ được điều chỉnh ngay theo giá quốc tế bởi có khi ký hợp đồng với giá cao, nhưng khi về đến nơi thì giá lại hạ hoặc ngược lại. Do đó, phải xác định được thời gian trung chuyển trên đường đi của dầu từ nước nhập khẩu đến khi về nước. “Việc này, phía Bộ Tài chính với TCty Xăng dầu đang làm việc với nhau để đưa ra một giải pháp tốt nhất. Còn chính sách xăng dầu thì Chính phủ từ rất lâu đã cho phép giá xăng dầu phải bám sát giá thị trường, không có bù lỗ, không lập phí” - ông Mai Xuân Hùng nói.
Ngày 26.8, Bộ Tài chính đã có quyết định giảm 300 - 500 đồng/lít các mặt hàng xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục. Trong khi đó, Thái Lan giảm 5.500 đồng/lít. “Việc này Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và TCty Xăng dầu làm việc và sắp tới sẽ có nhiều thay đổi” - ông Hùng cho biết. “Phía uỷ ban cũng đang đề nghị kéo xăng dầu về theo giá thị trường và xoá bỏ cơ chế độc quyền xăng dầu đầu vào. Quỹ bình ổn là do rơi rớt từ trước còn lại, nhưng sớm muộn sẽ không còn cơ chế này nữa và số tiền rút được từ kinh doanh xăng dầu sẽ dùng để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, máy móc sản xuất, đánh cá... Nhà nước sẽ trực tiếp quản lý quỹ này và thậm chí phải tách ngay từ đầu quỹ trong giá bán theo giá thị trường để lập quỹ (có thể gọi là Quỹ hỗ trợ) để hỗ trợ cho các đối tượng nói trên. Mặc dù bản thân nền kinh tế hiện nay chưa làm được điều này, nhưng sắp tới có lẽ sẽ xoá bỏ quỹ bình ổn xăng dầu” - ông Mai Xuân Hùng nói.