Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), phụ trách Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 cho biết, tại tuyến biên giới Tây Nam, hoạt động xuất lậu xăng dầu gia tăng vào những thời điểm nhạy cảm, chênh lệch giá giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới.
|
Buôn lậu xăng dầu qua biên giới vẫn chưa thể triệt tận gốc (nguồn: Internet) |
Thời gian qua, 56 Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố đã tiến hành thu giữ, xử lý khoảng 3.981.918 lít xăng dầu các loại, trong đó các tỉnh có tổng số vụ buôn lậu bị xử lý nhiều nhất là: Tây Ninh: 1.352.524 lít, Cần thơ: 388.674, Tiền Giang: 32.130, Kiên Giang: 273.049 lít, An Giang: 182.552 lít…
Hiện số cây xăng của Petrolimex ở các tỉnh biên giới chiếm khá lớn, chiếm 30% thị phần và có những tỉnh chiếm tới xấp xỉ 50%. Mặc dù qua theo dõi cho thấy lượng bán hàng ở khu vực biên giới một số tỉnh tăng khác thường nhưng trong số những người xếp can mua xăng dầu lại không thể xác định ai là nông dân, ai là kẻ buôn lậu. Tình trạng này xảy ra trên cả đường bộ, đường sông và đường biển. Thủ đoạn buôn lậu thường được sử dụng là đối tượng giả dạng người tiêu dùng, mua xăng dầu vào can nhựa 5-10 lít sau đó đổ vào can 30 lít hoặc túi nilon rồi dùng xe máy, xe đạp, đai vác chuyển sang biên giới.
Đại diện Ban chỉ đạo 127 tỉnh Kiên Giang cho biết, ngăn chặn buôn lậu xăng dầu hiện đang là nhiệm vụ khó khăn khi mà phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày một tinh vi hơn. Các vụ đã bị thu giữ và xử lý chỉ là một phần rất nhỏ so với tình trạng buôn lậu xăng dầu trên vùng biên giới Tây Nam hiện nay.
Liên quan đến vấn nạn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Trưởng ban chỉ đạo 127/TW cho rằng, xăng dầu đã, đang và sẽ luôn là vấn đề “nóng” do liên quan chặt chẽ đến đời sống xã hội, đến sản xuất. Vì thế không thể chần chừ trong việc phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, trục lợi. Mặc dù thời gian qua Ban Chỉ đạo 127 đã ngăn chặn được khá nhiều trường hợp, song vì do nước ta có đường biên giới tiếp giáp với các nước xung quanh khá dài, lực lượng lại mỏng nên không tránh khỏi việc gặp khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý.
“Để ngăn chặn tình trạng này, vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 28/2011/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, tổ chức hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn cho công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới và chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới cũng như việc đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng xăng dầu tại khu vực biên giới đó. Những cửa hàng bán lẻ xăng dầu xây dựng trái phép, không đáp ứng quy định sẽ phải dỡ bỏ, đình chỉ hoạt động kinh doanh và chịu chế tài xử lý vi phạm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, khó khăn lớn nhất của Ban chỉ đạo là sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong hoạt động này chưa mấy nhịp nhàng, năng lực cán bộ vẫn còn yếu, xuất hiện các tiêu cực trong quá trình hoạt động…Do vậy, sắp tới việc rèn luyện đạo đức, nâng cao năng lực cho cán bộ…sẽ là những ưu tiên hàng đầu.
Bộ trưởng cũng khẳng định, trong hoạt động này, vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính là vô cùng quan trọng. Tuy vậy, trên từng địa bàn, lực lượng chống buôn lậu địa phương cũng phải nỗ lực khắc phục khó khăn, nắm rõ tình hình, báo cáo kịp thời, phối hợp với các ngành đưa ra phương án thực hiện hợp lý nhất../.