Thị trường đầy mâu thuẫn
Dù trao quyền quyết định giảm giá bán lẻ cho DN theo Nghị định 84 nhưng, trong thông cáo báo chí gần đây nhất, Liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn khẳng định, sẽ "kiên trì thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cụ thể: Nếu giá thế giới tăng sẽ điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giới giảm sẽ khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý (đối với xăng, ma dút) và thực hiện giảm giá bán (khi có điều kiện)". Như vậy, liệu có sự mâu thuẫn trong chính các qui định của cơ quan điều hành?
Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý giá Bộ Tài chính, cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Trong cơ chế thị trường, đã Nhà nước định giá thì Nhà nước quyết định hoàn toàn. Còn nếu đã trao quyền tự chủ cho DN thì phải để DN toàn quyền tự quyết tăng hoặc giảm giá. Nhà nước chỉ can thiệp bằng các công cụ điều hành vĩ mô. "Sự nửa vời này ở chỗ, chúng ta chưa trao toàn bộ quyền tự chủ cho DN. Trên thế giới, không nước nào cho DN tự định giá nhưng lại phải thông qua Nhà nước cả", ông Long cho biết.
Bên cạnh đó, chúng ta đã công bố là điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Thị trường lên xuống từng ngày, từng giờ. Vậy mà, theo qui định, chúng ta phải đợi đến 30 ngày nhập khẩu mới được tăng, giảm. Đó là điều bất hợp lý.
Về qui định tính toán giá xăng dầu trong nước trên cơ sở giá xăng dầu thế giới dự trữ lưu thông trong 30 ngày, ông Bùi Văn Mai, Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, phức tạp trong kinh doanh hàng nhập khẩu (trong đó có xăng dầu) hiện nay xuất phát từ thực tế thời điểm nhập khẩu và lưu thông hàng hóa ra thị trường không giống nhau. "DN ký hợp đồng nhập khẩu và vận chuyển về Việt Nam sau 15 - 20 ngày, sau đó chuyển tiếp đi các nơi để bán. Do vậy, tôi rất đồng tình với ý kiến cho rằng không phải giá xăng dầu thế giới giảm là giá trong nước có thể giảm ngay. Tuy vậy, cũng cần nói lại rằng không phải giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng ngay. Giả sử giá trong nước giảm sau giá thế giới 3 ngày thì khi giá tăng, cũng nên để giá tăng sau 3 ngày. Việc giá thế giới giảm liên tục gần chục ngày mà DN lại nói chưa giảm đủ 30 ngày theo qui định để không giảm giá bán trong nước là không rõ ràng. Trước đây, khi giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng ngay và DN không giải thích như vậy"- ông Mai nói.
"Qui mô của ngành xăng dầu rất lớn, vai trò của xăng dầu trong đời sống rất quan trọng. Đơn cử, nếu chỉ chậm giảm giá xăng dầu vài ngày là DN đã có thể đút túi hàng nghìn tỉ đồng nên chẳng dại gì giảm giá. Với cách quản lý như hiện nay người tiêu dùng đừng mong các DN vì thương dân mà giảm giá. Chỉ có cách tạo ra một thị trường thực sự để DN phải cạnh tranh nhau tồn tại, người dân mới được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này". Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Anh
|
Theo ông Mai, nếu trong vòng 2, 3 ngày, giá thế giới tăng, giảm đáng kể thì nên tính toán lại ngay và lấy mốc ngày hôm đó để tính lùi về 30 ngày trước đó. Thời điểm tính toán khi tăng giá hoặc khi giảm giá là tương đối.
Không có cạnh tranh
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, để xăng dầu theo đúng giá thị trường phải được hình thành nên từ thị trường, nhưng thực sự ở Việt Nam chưa có thị trường xăng dầu. Hiện nay,Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex chiếm tới 60% thị phần nên không thể gọi là thị trường đúng nghĩa. Việc trao quyền tự quyết nửa vời cho DN là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu Việt Nam gần như không có sự cạnh tranh.
Theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta không phải lo nếu để DN tự quyết định giá bán, họ sẽ tăng giá quá cao. Nếu đã trao quyền tự quyết cho DN, giữa các DN sẽ có sự cạnh tranh. "Nếu anh tăng giá quá cao, người ta sẽ không mua hàng, vì thế, anh sẽ thua lỗ. Bởi thế, trong một thị trường cạnh tranh thực sự, các DN sẽ phải nhìn nhau, giảm thiểu tối đa chi phí để có mức giá phù hợp nhất với người tiêu dùng. Thêm nữa, do thị phần của Petrolimex quá lớn nên các DN nhỏ nếu muốn giảm giá bán lẻ sâu hơn "đại DN" này cũng khó"- một chuyên gia kinh tế cho biết.