Cơ quan quản lý nhà nước cũng cho biết chịu sức ép khá lớn nhưng việc giảm giá xăng dầu không thực hiện được do vẫn chưa đủ điều kiện để hạ giá bán lẻ trong nước. Việc không thể hạ giá xăng dầu trong nước, theo cơ quan quản lý, do vướng quy định về cách tính giá bình quân 30 ngày.
Điệp khúc xăng dầu thành phẩm không hạ nhiều, nhà nước phải bù đắp nguồn thu còn doanh nghiệp luôn than lỗ đầm đìa với nhiều lý do: Lượng tồn kho cao, doanh nghiệp bị đại lý ép ngược đòi tăng tiền chiết khấu, được cơ quan quản lý nhắc tới nhiều lần trong những lần trả lời báo chí về cơ chế điều hành giá xăng dầu.
Có một điều đơn giản mà người tiêu dùng nào cũng có thể nhìn ra là dù tính theo giá bình quân 30 ngày nhưng doanh nghiệp chỉ nhập hàng khi thời điểm giá thế giới thấp nhất. Đó là chưa kể tới việc những khách hàng truyền thống, nhập với khối lượng lớn như Petrolimex thì việc được hưởng mức chiết khấu cao, thậm chí mua rẻ hơn các doanh nghiệp khác là hoàn toàn có thể xảy ra.
Như vậy, giá thành của doanh nghiệp sẽ không thể căn cứ theo nguyên gốc giá niêm yết trên thị trường thế giới.
Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam, ông Bùi Văn Mai, cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ thông tin mà cơ quan quản lý đưa ra chưa đảm bảo được tính minh bạch. Bởi thế, người tiêu dùng cảm thấy vô lý, khi mà quyền lợi của họ luôn bị xếp hàng sau cùng (sau doanh nghiệp và nhà nước). Nên người dân có quyền đòi hỏi phải kiểm toán giá xăng dầu.
Có chuyên gia cho rằng, chừng nào các yếu tố mập mờ còn tồn tại trong công thức tính giá, hạch toán lỗ lãi thiếu minh bạch thì việc người tiêu dùng sẽ luôn ở vị trí ưu tiên cuối cùng, tính theo góc độ điều hành hài hòa mà liên bộ Tài chính - Công Thương đưa ra: lợi ích ngân sách - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Và như vậy chỉ khi doanh nghiệp có lãi, nhà nước thu đủ thuế thì việc giảm giá xăng dầu dường như mới được tính đến.
Ẩn số lỗ lãi về kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp cũng là điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Sự sòng phẳng trong thông tin, cơ cấu giá thành nhập khẩu của doanh nghiệp đến đâu dường như chỉ có cơ quan quản lý nắm rõ nhất.
Không có thông tin kiểm chứng thông tin do cơ quan quản lý đưa ra, người dân cũng chỉ còn cách chấp nhận, tuy nhiên, những hồ nghi của người tiêu dùng về việc không minh bạch trong điều hành và cơ cấu giá thành xăng dầu không vì thế mà giảm đi.