Bộ Tài chính vừa công bố công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng trong 7 tháng đầu năm 2011.
Về giá điện, từ 1/3/2011, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 165đ/kwh (15,28%), trong đó chưa tính đủ chi phí mới phát sinh, tỷ giá vẫn tính 19.500 VND/USD; lỗ do phát điện giá cao năm 2010 tạm thời khoanh lại; tại thời điểm tính giá không tính lợi nhuận của ngành điện.
Từ 1/6, cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường chính thức có hiệu lực.
Về giá nước sạch sinh hoạt, hiện Bộ Tài chính vẫn đang quy định khung giá nước tiêu thụ nước sạch sinh hoạt, UBND tỉnh quy định giá cụ thể.
Trong 7 tháng đầu năm 2011 có 11 địa phương (Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai, Quảng Trị, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Tp.Hồ Chí Minh) điều chỉnh tăng giá nước sạch, mức tăng khoảng 800đ/m3.
Hiện Cục Quản lý giá đang phối hợp với các địa phương tính toán phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch để chuẩn bị trình Bộ xem xét sửa đổi.
Về giá xăng dầu, hiện nay, giá xăng dầu được quản lý và điều hành theo quy định tại Nghị định số 84 này 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Trong 7 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu và sử dụng thuế, quỹ bình ổn giá như sau:
- Hai lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu ở mức có kiềm chế (ngày 24/2/2011 và ngày 29/3/2011). Mức giá điều chỉnh tăng lần thứ nhất từ 16-24% tuỳ loại, bằng khoảng 15-57% mức phải điều chỉnh. Lần thứ hai điều chỉnh tăng giá từ 10,36-13,51% tuỳ loại, bằng khoảng 34,73-50,27% mức phải điều chỉnh.
- Sử dụng công cụ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu trong đó đã giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với xăng và diezel (từ 14/01/2011) và tiếp tục đối với dầu hoả, ma zút (từ 24/2/2011); đến ngày 9/6/2011 tăng thuế nhập khẩu đối với diezel và dầu hoả lên 5%; còn xăng và ma zút vẫn duy trì ở mức thuế nhập khẩu 0%;
- Sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá: Từ tháng 1 cho đến trước ngày 24/2/2011, liên Bộ Tài chính-Công Thương đã cho phép doanh nghiệp tiếp tục tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá; sau đó, do Quỹ bình ổn giá đã hết nên đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giảm thuế nhập khẩu.
Từ 9/6/2011, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp tăng mức trích Quỹ bình ổn giá đối với xăng thêm 100đ/lít (thành 400đ/lít) để tạo nguồn cho xử lý bình ổn giá trong thời gian tới.
Với các biện pháp điều hành trên, giá xăng dầu trong nước giữ cố định từ ngày 29/3/2011 đến nay.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh tăng giá than bán cho điện thêm 5% (chỉ bằng khoảng 28-32% giá than xuất khẩu cùng loại); giá than bán cho các hộ tiêu dùng trong nước tăng từ 1/4/2011 (giá than bán cho các hộ nhỏ lẻ tăng từ 19% đến 49%; giá than bán cho sản xuất xi măng, giấy, phân bón tăng từ 18,74 đến 41%).
Ngày 22/4/2011, Bộ Tài chính cũng tăng khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền; với mức cước tăng bình quân khoảng 23%.
Đối với hàng hoá dịch vụ khác, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.