Tuy nhiên, cả núi công việc vẫn còn đang ở phía trước, đòi hỏi không chỉ năng lực vững chắc của nhà đầu tư, mà còn là sự kiên nhẫn để triển khai thành công dự án có quy mô tới 12 triệu tấn dầu thô/năm, trong đó giai đoạn 1 là 6 triệu tấn/năm.
Trước đó, tháng 4/2008, hợp đồng liên doanh xây dựng Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm đã được ký kết, nhưng tới thời điểm này, các nhà đầu tư vẫn chưa thể khởi công xây dựng nhà máy chính của Khu liên hợp.
Lý do quan trọng vẫn là vấn đề thu xếp tài chính cho dự án có quy mô vốn ước tính lên tới 7 tỷ USD này, bởi không phải đề nghị nào về bảo lãnh, giảm thuế của nhà đầu tư cũng được các cơ quan hữu trách chấp nhận. Gian truân hơn còn phải kể tới NMLD Dung Quất với thời gian 14 năm để hoàn tất việc đầu tư xây dựng, bởi các đối tác tham gia có quá nhiều bất đồng và trục trặc. Nhưng ngay cả giờ đây, khi NMLD Dung Quất đã gần hết thời gian bảo hành 2 năm đầu tiên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn đang phải xin thêm một số cơ chế tài chính, nhằm tạo điều kiện cho Nhà máy làm ăn có hiệu quả.
Với những thực tế đang diễn ra trong lĩnh vực lọc hóa dầu, kỳ vọng dòng vốn tư nhân chảy mạnh vào lĩnh vực tốn kém tiền bạc này là chưa khả thi.
Hơn nữa, Quy hoạch Phê duyệt hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010-2020, định hướng tới năm 2025 vừa được Bộ Công thương phê duyệt tháng 5/2011 cũng chỉ ra rất cụ thể những nhà máy lọc dầu sẽ được xây dựng từ nay tới năm 2025. Bên cạnh mở rộng NMLD Dung Quất, các dự án xây dựng mới đến năm 2020 được nhắc tới gồm Nghi Sơn, Long Sơn, Nam Vân Phong và Vũng Rô.
Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng dầu và nhiều sản phẩm hóa dầu khác, nên cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này không phải là không có. Nếu nhà đầu tư quyết tâm triển khai dự án NMLD, thì Quy hoạch có thể được bổ sung, nhưng câu chuyện hiệu quả của dự án sẽ khó có ai đứng ra gánh hộ nhà đầu tư.
Xét theo khía cạnh này, Bình Định không nằm trong ưu tiên hàng đầu để đặt NMLD như Quy hoạch đã được phê duyệt. Chưa kể địa điểm này cũng xa cả nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào, lẫn tiêu thụ sản phẩm đầu ra và càng không phải là NMLD đầu tiên ở Việt Nam. Mặt khác, nhà đầu tư nào vào lĩnh vực này cũng phải tìm kiếm các hỗ trợ về bảo lãnh, chính sách ưu đãi từ phía Chính phủ. Mà về điểm này, thì ngay cả NMLD Dung Quất (đã đi vào hoạt động), hay các dự án NMLD Nghi Sơn, Long Sơn và Tổ hợp hóa dầu miền Nam dù đi được những bước rất dài, nhưng vẫn chưa nhìn thấy đích. Vì vậy, giấc mơ nhà máy lọc dầu vẫn còn ở phía trước.