Diễn biến giá xăng dầu thế giới
Giá xăng dầu các loại đều có xu hướng tăng trong tháng 7/2011. Tính đến ngày 26/7/2011, giá FOB (Singapore) của xăng Mogas 95, Mogas 92 và dầu FO đã tăng đáng kể so với giá xăng dầu tháng 6/2011, với các mức tăng lần lượt là 5,59USD/thùng (4,64%); 5,36USD/thùng (4,55%) và 9,69USD/tấn (1,47%). Giá một số sản phẩm dầu khác, bao gồm KO/JA1 và DO các loại dao động trong khoảng 2USD/thùng so với tháng trước. Nhìn chung, giá xăng dầu chịu sự chi phối chủ yếu của giá dầu thô.
Ngoài ra, giá xăng dầu còn chịu tác động từ một số yếu tố khác. Lượng cung giảm do sản lượng lọc của Trung Quốc tháng 7 ước tính giảm; nhập giao ngay của khu vực Đông Nam Á chậm lại và nhập khẩu cho tháng 8 chưa bắt đầu. Thêm vào đó, nhu cầu mua giao ngay của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu của Indonesia có thể tăng. Nhu cầu JA1 suy giảm do hoạt động hàng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Mặt khác, tồn kho dầu DO tại Trung Quốc ở mức cao; xuất khẩu Nhật tăng, cao gấp 5 lần tháng 6. Nguồn cung FO các lô hàng từ Iran và Kuwait về Đông Á giảm, nhu cầu FO cho tàu biển khu vực tăng.
|
Diễn biến thị trường tháng 7/2011 (Nguồn: EMC tổng hợp) |
Thị trường trong nước ổn định
Về sản xuất, NMLD Dung Quất thực hiện bảo dưỡng lần thứ nhất theo kế hoạch trong 2 tháng từ 15/7 đến 15/9/2011. Trong nửa đầu tháng 7/2011, sản lượng xăng dầu của NMLD Dung Quất ước tính đạt 223.611 tấn. Theo BSR, ngày 17/7/2011, Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (VINAPCO) đã tiếp nhận 3.000 tấn và sẽ tiếp tục nhận khoảng 30.000 tấn xăng máy bay Jet trong năm 2011 từ NMLD Dung Quất để cung ứng cho Vietnam Airlines. Như vậy, ngoài các sản phẩm xăng dầu truyền thống, sản phẩm Jet A1 cũng đã được cung cấp cho thị trường trong nước.
Về nhập khẩu, trong tuần 1 và tuần 2 tháng 7, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại của Việt Nam tiếp tục đà giảm từ cuối tháng 6, lần lượt đạt 118,7 triệu USD (giảm 33,4%) và 44,7 triệu USD (giảm 62,4%). Tuy nhiên, sang tuần 3 tháng 7, sau nhiều tuần giảm liên tục, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng mạnh trở lại, đạt 134,7 triệu USD (tăng 201,5% so với tuần trước).
Các thị trường chủ lực cung cấp xăng dầu vào Việt Nam trong tháng 7 là Đài Loan, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc.
Về giá xăng dầu trong nước, theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện tại, giá xăng RON 92 và diesel bán lẻ của Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng dầu của các nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Trung Quốc khoảng từ 3.000-5.000 đồng/lít.
Ngày 8/7/2011, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định không điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với xăng, diezen, dầu hỏa và giữ nguyên thuế suất cũng như giá bán các mặt hàng xăng dầu trong nước như hiện hành, khi thị trường thế giới xăng dầu biến động lên, xuống liên tục trong giai đoạn này. Như vậy, thị trường xăng dầu trong nước thời gian tới được nhận định không có nhiều biến động trong thời gian NMLD Dung Quất bảo dưỡng, khi các công ty kinh doanh đã có kế hoạch dự trữ và nhập khẩu bổ sung để bù vào sản lượng sụt giảm. Về giá xăng dầu, trong ngắn hạn, giá vẫn sẽ tiếp tục được duy trì, không giảm so với mức giá hiện hành.