Từ ngày 15/7-17/9, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm dừng sản xuất trong 2 tháng để bảo dưỡng lần đầu tiên. Do vậy, nhằm đảm bảo đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, Petrolimex đã có sự chuẩn bị nguồn cung. Tuy nhiên, so với những tháng đầu năm, trong tháng 6, tháng 7, sản lượng tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh. Cụ thể, tiêu thụ xăng dầu trong tháng 7 hiện chỉ bằng khoảng 65% so với những tháng cao nhất trong quý I.
“Khi kinh doanh có lãi thì cầu giảm, đây là bài toán nan giải đối với tổng công ty. Điều này khiến cho tổng công ty rất lúng túng trong điều hành”, bà Huyền nhấn mạnh.
Dẫn chứng thêm về sự lúng túng này, bà Huyền cho biết, do cầu giảm, nên lượng tồn kho tăng cao. Trong khi đó, để đảm bảo kế hoạch nhập khẩu ổn định, thì việc tồn kho chỉ được duy trì trong vòng 30 ngày. Do vậy, khi thị trường chững lại, như thời kỳ đầu tháng 6, tổng công ty đã tồn kho hơn 40 ngày, vượt hơn 30% số ngày cho phép, rất khó điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu.
Cũng theo bà Huyền “Trong tháng 6 có khả năng giảm giá xăng dầu nếu xét về lượng và giá nhập khẩu tại chỗ thời điểm đó, nhưng thực tế không thể giảm giá được bởi hiện nay, do quý I kinh doanh khó khăn, tồn kho xăng dầu lớn nên Petrolimex đang âm khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặc dù Bộ Tài chính đã có văn bản đồng ý xử lý khoản tiền này nhưng không nói rõ sẽ xử lý theo cách nào. Nếu xử lý theo cách lấy lãi của giai đoạn sau bù cho giai đoạn trước thì Petrolimex không thể giảm giá mà bắt buộc phải giữ giá, lấy lãi tích lũy để trả nợ”. Khoản nợ 2.000 tỷ đồng này còn khiến cho Petrolimex gặp khó khăn ở chỗ mặc dù tháng 4 đã có ngoại tệ để mua nhưng do vướng nợ, Petrolimex vẫn không thể mua được.
Để giải quyết khoản xăng dầu tồn kho lớn, thời gian qua, Petrolimex đã đẩy mạnh việc bán ra, tái xuất… Do đó tính đến thời điểm này lượng xăng dầu tồn kho đã giảm từ 38 ngày xuống còn 35 ngày.
Giải thích về việc không giảm giá xăng dầu trong khi tăng mức thù lao cho các đại lý xăng dầu, bà Huyền chia sẻ. Trong tháng 7 vừa qua, do áp lực phải giải phóng hàng tồn kho, trong khi hệ thống phân phối hạn chế nên các đầu mối của Petrolimex phải đẩy xăng dầu ra các đại lý để tiêu thụ. “Không thể làm khác được vì muốn bán được hàng, giải quyết lượng tồn kho khổng lồ thì buộc phải đẩy hàng ra mạng lưới đại lý phân phối và tăng mức thù lao cho các đại lý này” – bà Huyền chia sẻ.
Thời điểm này, giá xăng dầu thế giới lại tiếp tục tăng, chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán ra hiện nay là khoảng âm 600 đồng/lít xăng, âm 400 đồng/lít dầu diesel, âm 500 đồng/lít dầu mazut. Việc cổ phần hóa Petrolimex, đưa giá xăng dầu vận hành theo giá thị trường được kỳ vọng sẽ nhanh chóng minh bạch hóa giá xăng dầu và giúp Petrolimex kinh doanh xăng dầu có lãi.
Sau nhiều tháng hoạt động trong tình trạng âm liên tục, tính đến thời điểm cuối tháng 7, sau 6 tháng 15 ngày âm, quỹ bình ổn xăng dầu đã tích lũy được 102 tỷ đồng./.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: “Các doanh nghiệp lớn như Petrolimex ngoài việc đảm bảo sản xuất kinh doanh còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị như: Nhập khẩu xăng dầu trong khi giá xăng dầu thế giới cao; Đầu tư xây dựng các trạm xăng dầu trên cả nước với quy mô lớn và ở tất cả các vùng miền… Tôi cũng khẳng định rằng trong vòng từ 1,5-2 năm trở lại đây, dù tăng giá hay giảm giá, doanh nghiệp lúc nào cũng lỗ”.
Việc Petrolimex kêu lỗ nhưng khi chuẩn bị cổ phần hóa lại công bố khoản lãi hàng ngàn tỷ đồng bởi khoản lãi này là kết quả của tất cả các hoạt động kinh doanh khác của Petrolimex như nhựa đường, hóa chất, thiết kế và tư vấn đầu tư, vận tải… chứ không riêng gì xăng dầu. Trên thực tế, kinh doanh riêng mặt hàng xăng dầu trong 9 tháng đầu năm dự kiến sẽ lỗ 1.220 tỷ đồng. Phần lỗ này sẽ được Nhà nước hỗ trợ vì lý do lỗ do bình ổn giá.
|