Chuyện giá xăng và sự gay gắt về Quỹ bình ổn
8/4/2011 8:19:00 AMTin trong nước

Đáng lẽ giá thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng phải giảm nhưng cắc cớ ở chỗ, các doanh nghiệp đang ôm khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng trước đó do bình ổn. Rốt cục, giá xăng dầu Việt Nam một mình một phách hoặc đứng im lìm hoặc tăng giá trong hoài nghi.

Trong một cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu còn chưa rõ ràng như hiện nay, giá xăng dầu còn lâu mới được các doanh nghiệp tự động giảm, trừ khi Bộ Tài chính có "lệnh" ép kiểu hành chính.

Giảm giá: Hãy đợi đấy!

Chia sẻ với PV.Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet hôm 1/8, đại diện SaigonPetro cho hay, 5 tháng đầu năm, họ đã lỗ tới 80 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh dựa trên cơ sở mặt hàng xăng dầu đã được bù đắp từ Quỹ bình ổn tới mức bù có lúc cao kỷ lục là 1.400-2.300 đồng/lít, kg (từ ngày 10-24/2). Chưa kể khi đó, quỹ kỳ thực đã tiêu sạch hết số dư, việc sử dụng quỹ là theo kiểu "ghi nợ" nên khoản lỗ thực sự của SaigonPetro lớn hơn rất nhiều lần so với 80 tỷ đồng.

Trước đó, hôm 31/7, bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cũng công bố,  Petrolimex đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng do phải giữ giá bình ổn trong 5 tháng đầu năm.

Các doanh nghiệp này đều phân tích, rõ ràng, ôm một khoản lỗ lớn như vậy, chẳng tội gì lại chủ động đề xuất giảm giá. Hôm 20/6, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính có văn bản số 8057 cho biết Nhà nước sẽ có cơ chế xử lý khoản lỗ do Petrolimex phải thực hiện bình ổn giá. Nhưng, chính đại diện Petrolimex than thở, mới chỉ có vài dòng ngắn gọn vậy chứ cơ chế xử lý cụ thể từ nguồn nào thì không rõ.

Với văn bản này, vị đại diện SaigonPetro không ngần ngại nói thẳng: "Đó là văn bản gửi riêng cho Petrolimex trước IPO để cổ đông yên tâm mà thôi, SaigonPetro không nhận được. Nhưng Bộ Tài chính nói "sẽ" tức là trong tương lai, biết thế nào được".

Chưa thể giảm giá xăng có nguyên nhân từ sự bất minh về Quỹ bình ổn xảng dầu (ảnh Tuổi Trẻ)

Mặc dù hoài nghi vào sự "hỗ trợ" của Nhà nước, ông cũng kiến nghị: "Nếu đúng là Bộ Tài chính có một cơ chế để hỗ trợ cho Petrolimex thì chúng tôi đòi hỏi Bộ phải hỗ trợ xử lý lỗ cho tất cả các doanh nghiệp đầu mối khác. Vì giai đoạn này, tất cả các doanh nghiệp đều làm nhiệm vụ bình ổn giá như nhau".

"Một lý do khác để khó lòng giảm giá xăng dầu là, thuế nhập khẩu xăng và dầu mazut vẫn đang là 0%. Doanh nghiệp luôn sợ nếu giảm giá xong, Bộ Tài chính lại bất ngờ cho tăng thuế thì doanh nghiệp coi như "kẹt" ngay", vị chuyên gia này giãi bày.

Thậm chí, giờ đây việc giảm giá xăng dầu còn bị xếp là thứ yếu. Quan điểm điều hành của cơ quan quản lý là ưu tiên doanh nghiệp có lãi và việc khôi phục thuế trước. Do vậy, thay vì giảm giá bán lẻ, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu dầu Diesel và dầu hỏa thêm 5%, đồng thời, bắt phải tăng mức trích quỹ lên 100 đồng/lít đối với xăng từ ngày 10/6.

Thậm chí, Bộ Tài chính còn cho rằng, vì thuế bằng 0% nên đã dẫn tới giảm thu ngân sách từ năm 2010 tính tới ngày 10/6/2011 khoảng 20.136 tỷ đồng, trong đó riêng giai đoạn từ ngày 24/2/2011 đến 10/6/2011 khoảng 10.047 tỷ đồng.

Một lãnh đạo cũng trong ngành tài chính chia sẻ, thực ra, nguồn thu ngân sách không thiếu hụt tới mức phải cho tăng thuế như vậy. Đáng lẽ trong thời gian này, Bộ Tài chính phải giảm giá bán lẻ để xoa dịu dư luận, nhất là sau cú sốc tăng giá liên tiếp tới 4.000-6.000 đồng/lít trước đó.

Và chuyện quỹ âm quỹ dương

Trong một loạt các công cụ để Nhà nước can thiệp giá xăng dầu, Quỹ bình ổn khiến cả người tiêu dùng và giới doanh nghiệp phản đối nhiều nhất. Không ít doanh nghiệp kêu ca, việc quỹ ra đời với cơ chế vận hành như hiện nay đã khiến cho doanh nghiệp "ôm rơm nặng bùng", là thứ "dở hơi" nhất trong cơ chế xăng dầu ở Việt Nam.

Vì lẽ đó, ý kiến của một vị chuyên gia kinh tế lo rằng, liệu ôm khoản tiền cả ngàn tỷ đồng trong quỹ, doanh nghiệp có chịu để yên tồn đọng như vậy không, hay sẽ nhanh chóng điều chuyển sang sử dụng mục đích khác như đổ thêm dầu vào lửa đối với các doanh nghiệp xăng dầu.

Quỹ bình ổn giá xăng nhưng giá chưa ổn (ảnh NLĐ)

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, bức xúc: "Từ đầu năm đến tháng 6, Quỹ bình ổn tại Petrolimex là trống rỗng, không có gì hết. Vì sao không có thì hỏi Bộ Tài chính! Khoản 102 tỷ đồng dương ở số dư Quỹ bình ổn là mới được gần đây thôi".

Ông Dũng nói thêm: "Người dân đang đinh ninh rằng, cứ mua một lít xăng giá 21.800 đồng hiện nay là họ đã gửi vào quỹ qua chúng tôi 300 đồng/lít. Điều đó thật nguy hiểm và tạo ra một áp lực ghê gớm cho chúng tôi trước dư luận. Vì có gì đâu mà trích quỹ?".

"Điều hành theo kiểu nào mà doanh nghiệp đã lỗ, đã âm thậm tệ rồi mà cứ bắt phải trích quỹ. Rồi lại vừa trích, vừa xả, thả tiền túi bên trái rồi lại móc ra ở túi bên phải. Chả có ai làm kiểu đó cả", ông Dũng gay gắt.

"Vì điều hành thị trường xăng dầu như thế, người tiêu dùng thấy không minh bạch. Rồi dồn tất cả những sự nghi ngờ đó vào doanh nghiệp, chứ doanh nghiệp đâu có làm gì nên tội. Cơ quan quản lý đang 'chơi khó; doanh nghiệp. Đáng lẽ, bộ phải lên tiếng nói cho rõ ràng mọi chuyện ra", ông Dũng bày tỏ.

Đại diện SaigonPetro cũng thừa nhận: "Vừa rồi, Bộ nói chúng tôi sử dụng quỹ bình ổn để bù vào khoản chênh lệch lỗ phát sinh. Nhưng thực ra là xả trước, quỹ là quỹ âm thôi. Trên sổ sách thì gọi là xả quỹ, tưởng là được bù chứ bản chất thì làm gì có tiền trong quỹ mà bù".

Theo công bố từ Bộ Tài chính, tính từ 22/10/2010 đến ngày cuối cùng ngừng xả quỹ là 24/2/2011, sau 3 lần nâng mức sử dụng Quỹ bình ổn, mức xả ra là 6.396 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho hay, một phần lớn trong khoản này là "tiền bình ổn ảo". Do phải bù trừ cho giai đoạn ghi nợ này, đến nay quỹ bình ổn ở SaigonPetro mới dư khoảng trên dưới 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, đáp lại những phản ứng của doanh nghiệp về nghịch lý quỹ bình ổn, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu doanh nghiệp không trích quỹ là sai. Vì cơ chế trích lập quỹ tính trên sản lượng gần như là tự động, độc lập. Việc vừa xả quỹ để bù đắp lỗ, vừa trích lập quỹ là việc bình thường.

Trở lại kiến nghị trước đây, ông Dũng vẫn cho rằng, các bộ cần nhìn nhận lại quan điểm về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và cơ chế giá thị trường ở mặt hàng này. Các điều kiện tối thiểu để trích Quỹ bình ổn là doanh nghiệp phải có lãi, điều kiện kinh doanh phải thuận lợi.

Trong một bối cảnh bùng nhùng về cơ chế như vậy, chuyện tháng 6 hay thời gian tới, giá xăng dầu thế giới có giảm thì với doanh nghiệp xăng dầu, sẽ chẳng liên quan gì tới việc phải giảm giá trong nước. Nguyên tắc thị trường như Nghị định 84 quy định đã gần như không còn ý nghĩa với xăng dầu vì Nhà nước luôn có dư địa lớn để can thiệp mạnh tay.

Cái mà người dân luôn nhìn thấy, đó là giá xăng dầu Việt Nam không thuận theo chiều của thế giới, giảm nhỏ giọt và tăng đột biến. Trong khi phía doanh nghiệp lại cho rằng, họ luôn chịu oan.

Sự tranh cãi về cơ chế giá xăng hiện nay thật đáng lo ngại vì câu chuyện còn đụng chạm cả về vấn đề kinh tế học, về tư duy, quan điểm quản trị giữa lãnh đạo các doanh nghiệp và lãnh đạo các bộ.

Được biết, bắt đầu từ 2/8, Kiểm toán Nhà nước sẽ có kết luận đối với từng doanh nghiệp xăng dầu về việc vận hành Quỹ bình ổn giá xăng. Có lẽ, chờ tới khi có kết luận kiểm toán, cuộc tranh cãi về ý nghĩa của Quỹ bình ổn cũng như sự tù mù cơ chế giá xăng dầu thời gian qua mới hé mở lời giải đáp.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent