Chưa kịp giảm giá, lại kêu lỗ
Theo một lãnh đạo Petrolimex, trong tháng 6 các doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn có khả năng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ 200 – 300 đồng/lít. “Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể giảm được do lúng túng, không biết xử lý thế nào về số lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng vì phải giữ giá bán trong quý I.
Dù Bộ Tài chính có văn bản đồng ý cho xử lý số lỗ này nhưng không hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp xử lý theo cách nào. Nếu xử lý theo cách lấy lãi của giai đoạn sau để bù cho giai đoạn trước thì doanh nghiệp sẽ không dám làm gì vì phải tích lũy để trả nợ.
Trong điều hành xăng dầu cần phải có thông điệp rất rõ nếu không doanh nghiệp sẽ rất lúng túng. Tính đến cuối tháng 7, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có tích lũy ở mức 102 tỷ đồng”- bà Huyền nói.
Và khi không có sự rõ ràng, thì cách mà doanh nghiệp chiếm đến 60 thị phần xăng dầu này chọn là im lặng để kiếm lợi nhuận. Trao đổi với PV Tiền Phong, một thành viên Tổ điều hành giá xăng dầu cũng xác nhận cơ hội giảm giá bán trong tháng 6 là có.
Tuy nhiên, ông từ chối bình luận sâu về vấn đề này. “Việc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp xử lý số lỗ vì giữ giá bán trong nước sẽ phải tiến hành đồng bộ ở tất cả các đầu mối chứ không phải cho riêng một doanh nghiệp nào”- ông nói.
Trao đổi với Tiền Phong, về lỗi “hướng dẫn không rõ ràng” của Bộ Tài chính, dẫn tới mất cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nói: “Tôi không được nghe trực tiếp ý kiến bà Huyền, nên tôi không bình luận”.
Và nay, cơ hội giảm giá qua đi, thì tại cuộc họp, bà Huyền lại điệp khúc kêu lỗ. “Do giá xăng dầu thành phẩm lên tới 129 USD/thùng, nên những ngày qua, với mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp lỗ gần 600 đồng/lít, diezel lỗ gần 400 đồng/lít còn madút bị lỗ gần 500 đồng/lít”, bà Huyền
cho biết.
Ông Thỏa cũng xác nhận doanh nghiệp đầu mối đang lỗ là có thật nếu tính theo giá bình quân 30 ngày qua. Dù giá dầu thô thế giới liên tục giảm nhưng giá dầu thành phẩm vẫn ở mức trên 120 USD/thùng.
|
Mất cơ hội giảm giá xăng dầu trong tháng 6-2011, nay Petrolimex lại kêu lỗ nặng. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Doanh nghiệp lỗ, đại lý vẫn lãi lớn
Theo các doanh nghiệp đầu mối, một vấn đề khác của kinh doanh xăng dầu là chi phí định mức mới trong kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính thẩm định từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn không đưa ra được. Cùng với đó, có nghịch lý là doanh nghiệp xăng dầu đang bị lỗ nhưng vẫn phải trả chiết khấu ở mức rất cao cho các đại lý.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro xác nhận thời gian qua các doanh nghiệp bị đại lý ép ngược, phải nâng chiết khấu cho đại lý lên mức rất cao. Có thời điểm có doanh nghiệp trong ngành phải chi hoa hồng cho đại lý ở mức tới 1.200 đồng/lít. Đến nay mức chiết khấu cho đại lý ở mức từ 700 – 800 đồng/lít. Có doanh nghiệp phải chi
900 đồng.
Việc chiết khấu cao như vậy đồng nghĩa doanh nghiệp phải tính chi phí vào giá xăng bán lẻ. Mức chiết khấu này là rất cao so với chi phí khoảng 500 đồng/lít để duy trì một cây xăng có lãi và hoạt động được.
“Chúng tôi cũng muốn trích chiết khấu thấp nhưng doanh nghiệp khác đẩy mức chiết khấu lên cao thì lại phải chạy đua. Chạy đua mãi thế thì chỉ cùng nhau xuống lỗ, phải cùng nhau hạ chiết khấu xuống, nếu không khó có thể chịu được. Doanh nghiệp lỗ trong khi đại lý lãi lớn nhờ chiết khấu cao”- ông Sang nói.
Theo bà Huyền, do không có hệ thống đại lý nhiều nên các doanh nghiệp khi muốn đẩy tồn kho ra chỉ còn cách tăng hoa hồng cho trung gian. Petrolimex có mạng lưới bán lẻ nhiều nên giữ được mức chiết khấu ở mức hợp lý so với các đơn vị khác. Đây là lỗ hổng rất lớn trong điều hành.
“Do chưa có cơ chế giám sát và chế tài, buộc doanh nghiệp hạ giá khi giá thế giới giảm nhanh và sâu. Cùng với đó là việc chưa minh bạch và công khai hóa các chỉ số thành phần giá xăng dầu (hiện Petrolimex có đưa cách tính giá xăng dầu lên trang web nhưng đây là mức giá cơ sở được tính trên quy định của Nghị định 84.
Các yếu tố đầu vào do các cơ quan Nhà nước ban hành chứ không phải giá vốn của doanh nghiệp), nên việc doanh nghiệp nói lỗ hay lãi cũng không biết đâu mà lần”. - TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Hà Nội.
|