Trước thông tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất dừng sản xuất để bảo dưỡng, bà Huyền cho biết, trước đó Petrolimex đã có kế hoạch nhập khẩu bảo đảm nguồn. Áp lực nguồn cũng không căng thẳng vì trong tháng 6, tháng 7 sản lượng tiêu thụ của Petrolimex giảm rất mạnh, chỉ bằng 64-65% của tháng cao nhất trong quý 1/2011. Nếu trong tháng 2 và 3/2011, tiêu thụ cao điểm khoảng 860.000 m3/tháng thì hiện nay chỉ dừng ở mức 532.000 m3/tháng.
Theo bà Huyền, lượng bán ra của Petrolimex trong tháng 5-6 sụt giảm mạnh có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất nhu cầu thực sự yếu. Thứ hai, hiện đang tồn tại mâu thuẫn: khi kinh doanh xăng dầu lỗ thì áp lực đổ dồn vào Petrolimex nên lượng bán ra tăng rất cao, nhưng khi có lãi lại giảm sút rất mạnh. Tháng 6, tháng 7 là thời điểm các đầu mối nhập khẩu xăng dầu khác cũng phải giải phóng tồn kho, trong khi mạng lưới đại lý của họ rất ít nên buộc phải đẩy thù lao của các đại lý lên. Trong khi Petrolimex có mạng lưới bán lẻ rất nhiều nên đã cố gắng giữ được thù lao ở mức hợp lý. Nhưng đây cũng là một nguyên nhân khiến các đại lý tập trung lấy hàng của các đầu mối khác.
Hậu quả giai đoạn bình ổn giá đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Petrolimex khiến doanh nghiệp lúng túng trong điều hành. Thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo yêu cầu của chính phủ, doanh nghiệp buộc phải duy trì tồn kho ở mức 30 ngày, luôn luôn đảm bảo kế hoạch nhập khẩu để duy trì tồn kho đúng quy định, vì nếu thị trường có thay đổi thì rất khó khôi phục nguồn này. Chính vì yếu tố đó nên khi thị trường chững lại (qua giai đoạn bình ổn giá), có thời điểm như đầu tháng 6/2011, mức tồn kho của Petrolimex lên đến gần 40 ngày - vượt quy định hơn 30%.
Dư nợ bình quân của Petrolimex đến đầu tháng 4/2011 tưởng chừng đã được giải quyết khi số ngoại tệ của Petrolimex mua được rất thường xuyên. Nhưng bắt đầu đến tháng 6, tháng 7, ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn có nhưng Petrolimex không thể mua được. Đến nay, Petrolimex còn âm 2.000 tỷ VND chưa được xử lý, muốn mua ngoại tệ để trả nợ vay ngân hàng nhưng vẫn không có ngoại tệ để mua.
Mặc dù trong quý II/2011, Petrolimex đã từng bước vượt qua khó khăn nhưng kinh doanh vẫn lỗ, do đó việc tiếp cận vay vốn bị hạn chế. Cho dù chỉ số uy tín của Petrolimex rất cao, nhưng vì quy định tín dụng thận trọng của Ngân hàng Nhà nước nên việc các ngân hàng có tiếp tục cho Petrolimex vay vượt hạn mức như mọi khi hay không cũng là bài toán nan giải .
Bà Huyền lý giải, tồn kho lớn và lỗ kinh doanh xăng dầu do bình ổn giá trong 9 tháng khá lớn (khoảng 2.000 tỷ đồng) nên mặc dù đã có văn bản của Bộ Tài chính đồng ý xử lý vấn đề này, nhưng hiện tại vẫn chưa biết làm theo cách nào; vì vậy, mặc dù tháng 6/2011 hoàn toàn có khả năng giảm giá xăng dầu nhưng Petrolimex chưa thể thực hiện. “Tuy nhiên, trong thời gian qua, Petrolimex đã cố gắng đẩy mạnh bán ra, đặc biệt là đẩy mạnh tái xuất xăng dầu và xử lý dãn hoãn những chuyến tàu hàng mà theo hợp đồng bị phạt. Thời điểm này, Petrolimex đã giảm tồn kho được từ 38 ngày xuống còn 32 ngày" - bà Huyền chia sẻ.
Đối với Quỹ bình ổn giá, sau 6 tháng 15 ngày hoạt động trong trạng thái âm thì đến cuối tháng 7 đã bắt đầu có tích lũy khoảng 102 tỷ đồng.
Hiện tại, giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng trở lại. Hôm nay (1/8), mỗi lít xăng dầu bán ra, giá cơ sở chênh lệch so với giá bán hiện hành lỗ gần 600 đồng/lít với xăng, 400 đồng/lít với diêzen, 500 đồng/lít với mazut. Vì thế, nếu cơ quan quản lý không xử lý nhanh và hợp lý về thị trường và giá cả thì áp lực lỗ như thời gian trước lại dồn về Petrolimex.
Một bất cập khác, Bộ Tài chính xây dựng chi phí định mức từ năm 2010, nhưng đến nay, mặt bằng chi phí kinh doanh đã gia tăng rất lớn mà Bộ này vẫn chưa đưa ra mức chi phí mới.