Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trình dự thảo đề án quỹ bảo trì đường bộ để Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét trình Chính phủ phê duyệt. Trước đó, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT cũng đã nhiều lần xây dựng dự thảo trình Chính phủ xem xét thông qua nhưng đều không thành.
Ba phương án thu phí
Phương án 1: Thu cùng lúc ba loại phí: Thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ với mức phí ô tô con 180.000 đồng/tháng, xe máy 80.000 đồng/xe/năm, dự kiến tổng nguồn thu là 5.987 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, thu tiếp qua giá xăng dầu với mức phí là 1.000 đồng/lít xăng và 170 đồng/lít dầu diesel. Ngoài ra, vẫn sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của các trạm thu phí như hiện nay.
Đánh giá về phương án trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng phương án này có ưu điểm là kết hợp được nhiều nguồn thu, huy động đến mức cao nhất sự đóng góp của người sử dụng đường bộ cho việc đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho bảo trì đường bộ, đảm bảo ổn định hoạt động của các trạm thu phí sử dụng đường bộ.
Phương án 2: Thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ nhưng “tha” cho xe máy và chỉ có ô tô là phải chịu phí với mức thu đã nêu ở phương án 1. Đồng thời, phương án dự tính vẫn thu tiếp qua xăng dầu, với mức phí đề xuất là 1.000 đồng/lít xăng thông thường, 330 đồng/lít dầu diesel.
|
Thu phí qua xăng dầu là một trong những nguồn lập quỹ bảo trì đường bộ. Ảnh: HTD
|
Theo Tổng cục Đường bộ, phương án này có ưu điểm là cơ bản thay thế phương thức thu phí sử dụng đường bộ qua trạm bằng phương thức thu mới hiệu quả hơn, công bằng hơn; có thể huy động sự đóng góp của xã hội thông qua thuế nhập khẩu xăng dầu một cách hợp lý để cùng với ngân sách nhà nước cấp đủ vốn cho bảo trì đường bộ. Đây là phương án đang được một số nước trên thế giới áp dụng. Khi thực hiện phương án thu trên thì sẽ bỏ các trạm thu phí của Nhà nước.
Phương án 3: Chỉ thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ (mức phí đã nêu ở phương án 1). Đồng thời, số tiền còn thiếu cho hoạt động bảo trì đường bộ vào khoảng 6.213 tỉ đồng sẽ được cấp bổ sung trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Tổng cục Đường bộ khẳng định phương án này đảm bảo hiệu quả và công bằng giữa các đối tượng chịu phí; các ngành, lĩnh vực khác ít bị ảnh hưởng tiêu cực, vì vậy dễ tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Phương án 2?
Từ những đánh giá trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ lựa chọn phương án 2. Theo Tổng cục Đường bộ, phương án 1 có quá nhiều nhược điểm, như người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ phải chịu đồng thời ba khoản thu phí. Bên cạnh đó, một số ngành và lĩnh vực sử dụng nhiên liệu nhưng không tham gia giao thông đường bộ vẫn phải chịu phí bảo trì đường bộ. Đặc biệt, chi phí tổ chức thu theo phương án trên rất cao (148 tỉ đồng/năm đối với thu trực tiếp trên đầu phương tiện và 15% chi tổ chức thu qua trạm thu phí, khoảng 90 tỉ đồng). Ngoài ra, việc thu đối với mô tô, xe máy đang lưu hành có khó khăn, khả năng sẽ thất thu đối với đối tượng này.
Riêng với phương án 3, vốn được coi là phương án mà người tham gia giao thông phải đóng góp ít nhất nhưng Tổng cục Đường bộ cũng không lựa chọn với lý do mức huy động các nguồn lực từ người sử dụng đường vào quỹ thấp nên số phải cấp từ nguồn ngân sách nhiều. Chi phí tổ chức thu cũng ở mức khá cao và việc thu đối với mô tô, xe máy rất khó khăn.
Phương án nhẹ cho dân
Phương án 2 vẫn khiến cho các phương tiện phải đóng góp quá nhiều kinh phí. Đặc biệt, với tình trạng nở rộ ngày càng nhiều các trạm thu phí theo hình thức BOT thì rõ ràng chỉ một vài năm tới, một chiếc xe vẫn phải đóng đến ba loại phí cho đường bộ. Ngay Tổng cục cũng thừa nhận nhược điểm của phương án này.
Việc lựa chọn phương án 3 là phù hợp nhất. Chúng ta đừng tham vọng, đừng bắt dân phải đóng quá nhiều, mà phải biết kết hợp giữa ngân sách nhà nước với các khoản đóng góp của người dân. Phương án 3 khắc phục được tình trạng một xe phải “cõng” đến 3-4 loại phí cho ngành đường bộ
Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG,
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
|