Cổ phần doanh nghiệp xăng dầu: Khó hút vốn ngoại
8/1/2011 8:02:00 AMTin trong nước

Ngày 28/7, Petrolimex đã thực hiện phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với giá trị cổ phần chào bán công khai tương ứng với 2,56% vốn điều lệ. Tuy nhiên, “nhặt tiền lẻ” từ các nhà đầu tư cá nhân chắc chắn không phải là mong chờ của các doanh nghiệp nói chung khi tiến hành cổ phần hóa.

Tiền bé: ít   

“Ông lớn” Petrolimex hiện chiếm tới 55% thị phần phân phối xăng dầu của cả nước
Một quan chức của Petrolimex cho hay, khi tiến hành cổ phần hóa, doanh nghiệp mong muốn mở ra kênh mới để thu hút vốn đầu tư cho phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, với thực tế thị trường chứng khoán ảm đạm hiện nay thì khó lòng hy vọng sẽ có những dòng tiền lớn chảy vào doanh nghiệp thông qua việc bán cổ phần hay phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng.  

Với tổng số 4,99% vốn điều lệ được mang ra bán trong lần đầu tiên, trong đó chỉ có 2,56% (tương đương với gần 27,5 triệu cổ phần) là đấu giá công khai với mức giá khởi điểm 15.000 đồng/cổ phần, nếu bán được hết, Petrolimex sẽ thu được khoảng 410 tỷ đồng. Cộng thêm với phần còn lại trong tổng số 4,99% vốn điều lệ mang ra bán lần này, được phát hành cho cán bộ công nhân viên với mức giá bằng 60% giá đấu bình quân, Petrolimex có thể thu thêm gần 250 tỷ đồng nữa.

Nhưng đây cũng chỉ là việc “đếm cua trong lỗ” khi bán được hết số cổ phần dự tính với giá chào là 15.000 đồng/cổ phiếu. Thực tế IPO của một số doanh nghiệp nhà nước lớn gần đây như Tổng công ty Thép hay Tổng công ty Khí cho thấy, doanh nghiệp tính là một chuyện, nhưng thực tế diễn ra khắc nghiệt hơn nhiều. 

Kể cả trong trường hợp Petrolimex thu được hơn 600 tỷ đồng trong đợt IPO thì nếu dùng toàn bộ số tiền này để đầu tư cho các dự án của riêng Petrolimex cũng đã khá hẻo. Chỉ Tổ hợp lọc hóa dầu Vân Phong đã có quy mô vốn lên tới hơn 4,5 tỷ USD, hay Dự án đường ống dẫn dầu Khâm Châu có quy mô hơn 200 triệu USD. Chưa kể hàng loạt các dự án khác có quy mô vốn khoảng 5.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay tới 2013.

Việc bán gần 5% vốn điều lệ cũng chỉ là bước đầu. Petrolimex đã có kế hoạch giảm phần nắm giữ của nhà nước xuống mức 75% vốn điều lệ trong tương lai. Nhưng để tìm được đối tác ưng ý, có thêm tiềm lực để phát triển lại không hề dễ. “Doanh nghiệp muốn có thêm các nhà đầu tư lớn, am hiểu lĩnh vực để tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở nội địa mà còn mang tầm quốc tế. Những mục tiêu này, nếu chỉ trông chờ vào các nhà đầu tư cá nhân hay những tổ chức nhỏ mua cổ phiếu để lướt sóng, kiếm lợi nhuận thì không có hy vọng gì”, quan chức nói trên của Petrolimex tâm tư.

Trước đó, Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petech), thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã tiến hành IPO 5% vốn điều lệ và thu về được 276 tỷ đồng, với giá khởi điểm 21.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi Petech được cổ phần hóa, PVN cũng ngay lập tức đề nghị Chính phủ cho tìm cổ đông chiến lược là đối tác nước ngoài để mua lại 43,78% vốn điều lệ tại đây.

Tiền to: Không dễ

Tuy nhiên, đề nghị tìm cổ đông nước ngoài cho Petech của PVN đã không được Chính phủ chấp thuận, có lẽ bởi kinh doanh xăng dầu là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam chưa muốn mở cửa, nhất là khi lĩnh vực đó lại không nằm trong các cam kết mở cửa theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO.

Trên thực tế, nếu tìm kiếm các cổ đông lớn trong nước nhằm có thêm nguồn vốn, kinh nghiệm, để cùng kinh doanh xăng dầu thì không hề đơn giản. Các doanh nghiệp tư nhân có liên quan đến xăng dầu hiện đã có mặt trong những lĩnh vực này đều nhỏ hơn Petrolimex. Có vẻ lớn hơn Petrolimex là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhưng doanh nghiệp hàng đầu này cũng đang phải vất vả đi tìm đối tác để bán cổ phần tại 2 đầu mối kinh doanh xăng dầu của mình là Petech và PV Oil. Theo công bố của PVN, tổng số lỗ 6 tháng đầu năm của PV Oil và Petech trong mảng kinh doanh xăng dầu là 867 tỷ đồng.

Trong cáo bạch của Petrolimex cũng nhận định, nếu nhà nước vẫn quản lý giá xăng dầu như hiện nay thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thể chủ động sản xuất kinh doanh được. Chưa kể với thực tế bán xăng thu VND, khi tỷ giá ngoại tệ biến động lớn, doanh nghiệp chưa kịp đổi VND ra ngoại tệ để nhập khẩu xăng do nguồn cung ngoại tệ không như dự tính, lợi nhuận của doanh nghiệp đã giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế từ kinh doanh xăng dầu năm 2010 của Petrolimex, đơn vị chiếm tới 55% thị phần xăng dầu cả nước, chỉ vào khoảng 100 tỷ đồng, bằng 3,4% so với lợi nhuận của năm 2009. Dĩ nhiên còn nhiều áp lực khác cũng được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề cập tới như việc giá bán lẻ xăng dầu vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước…

Quan chức nói trên của Petrolimex nói: “Khó khăn vậy, lỗ vậy thì có mở cửa thị trường xăng dầu nhà đầu tư nước ngoài cũng không dám mở hầu bao”.

Với mạng lưới phân phối xăng dầu rộng lớn đã được thiết lập của 13 đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay, cơ hội để đối tác ngoại liên doanh phân phối xăng dầu thành công là không nhiều

Để chứng minh ông cho hay, giai đoạn 1995-1997, các doanh nghiệp nước ngoài có tiếng trong ngành dầu khí thế giới như Shell, Total, BP, Caltex… đã bỏ ra không ít tiền của để trang hoàng biển hiệu cho các cây xăng trên đường ở Việt Nam, dù khi đó họ chỉ được đầu tư vào hoạt động pha chế và kinh doanh sản phẩm dầu mỡ nhờn. Nhưng 5-7 năm gần đây, không có thêm những biển hiệu mới của các tên tuổi này được trưng lên ở các cây xăng, kể cả đang hoạt động hay mới mở. Điều này cho thấy, những nhà đầu tư nước ngoài am hiểu lĩnh vực này đã không còn quá mặn mà với việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam.

Trước đó, đề xuất chính thức được phân phối xăng dầu trên phạm vi toàn quốc đã lần đầu tiên được các nhà đầu tư nước ngoài gồm LG (Hàn Quốc), Stone & Webster (Mỹ), Petronas (Malaysia), Conoco (Mỹ), CPC và CIDC (Đài Loan) đặt ra như một trong các hỗ trợ kèm theo của phía Chính phủ Việt Nam khi họ chấp nhận đầu tư, góp vốn xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 với địa điểm được chọn là Dung Quất. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị bác bỏ vào năm 1996. Với việc chọn Nga là đối tác để xây dựng NMLD số 1 và sau này là phương án Việt Nam tự đầu tư, cơ hội tham gia vào hệ thống phân phối xăng dầu của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xa vời.

Dẫu vậy, ở thời điểm này vẫn có nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tham gia vào hệ thống phân phối xăng dầu tại Việt Nam. Đó là các bên đối tác tham gia đầu tư trong Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với cơ hội thành lập công ty phân phối xăng dầu cho chính họ. Tuy nhiên, với mạng lưới phân phối xăng dầu rộng lớn đã được thiết lập của 13 đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay, cơ hội để liên doanh phân phối xăng dầu này thành công trên thị trường bán lẻ có thể thấy là không nhiều.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent