Kể từ ngày 22-7 đến hết cuối tháng 8, KTNN chính thức tiến hành kiểm toán việc sử dụng và trích quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 11 đơn vị đầu mối, gồm 9 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và 2 đơn vị quản lý thuộc 2 bộ Tài chính và Công thương. Việc kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu nằm trong kế hoạch, từ trước khi có những bức xúc về việc chậm giảm giá xăng dầu. Kiểm toán lần này sẽ không tập trung vào việc làm rõ các vấn đề về lỗ lãi hay cơ cấu hình thành giá bán lẻ, mà tập trung vào việc quản lý, sử dụng và trích lập quỹ bình ổn xăng dầu có đúng thẩm quyền, quy định của Chính phủ hay không. Còn đối với các đơn vị nhập khẩu đầu mối, kiểm toán sẽ làm rõ việc trích lập và sử dụng quỹ đã đúng quy định và có thực sự hiệu quả; qua đó sẽ làm rõ những ảnh hưởng bởi cơ chế, chính sách và cách sử dụng quỹ bình ổn tác động như thế nào đến giá xăng dầu và người tiêu dùng...
Vậy, mục tiêu cụ thể của việc kiểm toán đối với quỹ bình ổn xăng dầu đang được tiến hành là gì? Tổng KTNN Vương Đình Huệ cho rằng, từ năm 2008 đã thực hiện cơ chế cấp bù lỗ trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu. KTNN đã thực hiện kiểm toán chuyên đề bù lỗ và có tác động rất tích cực. Tuy nhiên từ 2008 đến nay, Nhà nước bãi bỏ cấp bù lỗ và điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nhằm tránh điều chỉnh quá nhiều lần trong một năm Chính phủ cho phép các đầu mối kinh doanh xăng dầu trích một phần quỹ bình ổn kinh doanh xăng dầu dùng như một phần để bù đắp khi tăng giá, tránh điều chỉnh nhỏ giọt.
Trong thời gian qua có những ý kiến chưa đồng thuận lắm về việc sử dụng quỹ này. Đối với người dân, thì cho rằng đã lập quỹ bình ổn thì tại sao giá vẫn tăng, độ minh bạch trong việc sử dụng quỹ này như thế nào. Còn bản thân các đầu mối xăng dầu cũng có nhiều ý kiến không thống nhất. Một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhỏ thì cho rằng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, bởi những doanh nghiệp lớn, thị phần cao, doanh số bán nhiều thì trích lập quỹ lớn và trong khi chưa sử dụng thì sẽ hình thành quỹ lưu động rất lớn. Và với quỹ lớn như thế thì có điều kiện hạ giá thành có thể tạo ra áp lực cạnh tranh về giá bán giữa các doanh nghiệp.
Đặc biệt trong thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới tăng, Chính phủ đã áp dụng nhiều các giải pháp như giảm thuế nhập khẩu đến 0% mà vẫn bị lỗ, trong khi đó có ý kiến cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, quỹ bình ổn còn tiền hay không để bù giá xăng dầu dân cũng không hề biết, quỹ bình ổn có thực sự phát huy hiệu quả trong việc điều tiết giá nội địa hay càng sinh quỹ thì phát sinh cơ chế xin cho cần phải được làm rõ. Quỹ bình ổn vẫn là một dấu hỏi lớn, kiểm toán quỹ bình ổn là điều tất yếu. Đại diện một doanh nghiệp kiểm toán độc lập cho biết, kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu không đơn thuần là kiểm tra, đánh giá, xác nhận việc các doanh nghiệp đầu mối đã và đang sử dụng số tiền quỹ như thế nào. Mà quan trọng hơn là kiểm tra sự tuân thủ luật pháp của đơn vị cung ứng xăng dầu. Sau đó, minh bạch thông tin. Các chuyên gia nói rõ, quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của người dân, và họ có quyền được biết, tiền của mình được sử dụng như thế nào trong mỗi lít xăng dầu. Giám đốc một công ty kiểm toán độc lập khẳng định "câu chuyện hậu kiểm toán quan trọng hơn là cách thức kiểm toán”.