|
Giá xăng dầu tăng đều khởi động một vòng xoáy lạm phát Ảnh: Hoàng Long |
Gần đây, dư luận xã hội lại được dịp bàn luận rôm rả về "nghịch lý” ở Petrolimex, cứ "gân cổ” kêu lỗ và đòi Nhà nước bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng khi cần giữ hoặc tăng giá xăng dầu, rồi lại tự khoe lãi cũng tới cả ngàn tỷ đồng khi cần đánh bóng tên tuổi chuẩn bị cho đợt chào bán chứng khoán sắp tới... Cụ thể, năm 2008, Petrolimex (kinh doanh xăng dầu chiếm 84% tổng doanh thu của tập đoàn này) kêu lỗ cả chục nghìn tỉ đồng, còn trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vừa công bố, năm 2008, đơn vị này lãi trên 913 tỉ đồng, năm 2009 lãi tiếp 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81,1 tỷ đồng và dự kiến trong năm 2011 này là 2.154 tỷ đồng.
Khoan hãy nói tới sự chính xác của các con số đang chờ giải trình và kiểm toán, cũng như "mẹo kỹ thuật” phù phép bằng nghiệp vụ kế toán siêu đẳng nếu có, mà ở đây ta thử tìm hiểu căn nguyên sâu xa đằng sau những tuyên bố lỗ-lãi đầy nghịch lý như vậy.
Thực tế, do nhiều nguyên nhân, cho đến nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mang tính thị trường do chưa có cơ chế cạnh tranh thị trường đầy đủ, cả về bán buôn và bán lẻ. Về cơ bản và tổng thể, Nhà nước vẫn đang khống chế xuất nhập khẩu xăng và giá bán lẻ xăng dầu, dù ít nhiều có sự phân quyền quản lý giữa các đơn vị chủ quản và một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu truyền thống độc quyền. Hơn nữa, đang có sự đan xen giữa nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ kinh doanh của ngành xăng dầu. Thậm chí, đã có lúc người ta thấy có sự vận dụng ngược trình tự quy luật thị trường, tức chủ trương cho phép các doanh nghiệp độc quyền được định giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới, mà không phải cạnh tranh thị trường; trong khi cần làm ngược lại.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 15-12-2009. Theo Nghị định 84, doanh nghiệp có quyền tăng giá xăng dầu cứ 10 ngày/lần nếu tăng dưới 7% và báo cáo sau, tăng từ 7 đến 12 % thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% - 12%. Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp sẽ được Quỹ bình ổn giá bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (chỉ được dùng Quỹ bình ổn khi mức tăng giá trên 7%). Và trường hợp giá thế giới tăng trên 12% thì giá xăng dầu trong nước do Nhà nước quyết định. Nghị định ra đời được coi là bước tiến lớn trong việc quản lý thị trường xăng dầu khi cơ chế giám sát minh bạch hơn và tạo sự chủ động cao hơn cho doanh nghiệp theo cơ chế thị trường song không thể thiếu bàn tay hữu hình của Nhà nước.
Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ, doanh nghiệp dễ dàng xé nhỏ mức tăng giá dưới 5% như kiểu quản lý giá sữa mà người ta đã chứng kiến trên thực tế những năm qua. Hơn nữa, chưa có cơ chế giám sát và chế tài buộc doanh nghiệp hạ giá khi giá xăng dầu thế giới giảm nhanh và sâu. Ngoài ra, điều khiến dư luận vẫn chưa thỏa mãn là chưa có kiểm toán giá xăng dầu, thậm chí chưa có cả việc minh bạch và công khai hóa các chỉ số thành phần giá xăng dầu. Chính sự thiếu tường minh cơ cấu giá xăng dầu này và sự chưa phân biệt 2 loại hoạt động cho mục tiêu kinh doanh với mục tiêu "nhiệm vụ chính trị” ổn định giá và bảo đảm an ninh năng lượng, là nguyên nhân giải thích cho điều khó giải thích nhất, là dù giá lên hay xuống thì doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu luôn kêu lỗ, cơ quan chức năng thì luôn chịu cảnh "trên đe dưới búa”, ngân sách nhà nước thất thu và người tiêu dùng thì cắn răng chịu đựng vì không còn lựa chọn nào khác.
Theo Bộ Công thương, Tổng công ty dầu Việt Nam - PVOil hiện chiếm 25%, Saigon Petro chiếm 8%, còn Petrolimex chiếm khoảng 55% thị trường xăng dầu cả nước (các vùng có cạnh tranh cao như Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh thì thị phần của Petrolimex chỉ trên dưới 40%, còn ở các vùng như Sơn La, Lai Châu, Tây Nguyên thì thị phần gần như 100%); trong đó 30% thị phần của Petrolimex là bán buôn cho các doanh nghiệp, khoảng trên 25% tự bán thông qua hệ thống 1.995 cây xăng của mình, chiếm khoảng gần 20% trong tổng số 10.000 cây xăng trên toàn quốc.
Rõ ràng là, một cơ chế giá xăng, dầu còn nhiều lúng túng và rối, kiểu "lưỡng tính”, vừa muốn có giá cả thị trường trong cơ chế không có cạnh tranh thị trường, vừa có sự nhập nhằng giữa hoạt động kinh doanh với hoạt vì mục tiêu chính trị thì muốn hay không cũng tất yếu không chỉ là tác nhân thực tế và tiềm tàng làm méo mó giá cả mà còn gây cảnh "đục nước béo cò”, "tăng nhanh, giảm chậm”, thậm chí giá chỉ tăng một chiều, tăng thực còn giảm, nếu có chỉ là hình thức?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đằng sau giá xăng dầu là bức tranh về những triển vọng lạm phát, về sự minh bạch của môi trường đầu tư và cơ chế thị trường, cũng như của uy tín, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước... Vì vậy, cần quan tâm đúng mức và sớm hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường, lành mạnh, phù hợp cam kết và thông lệ thế giới, góp phần tích cực kiềm chế vững chắc lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hoàn thiện thể chế của một Nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang hướng đến.