Điều này khiến dư luận băn khoăn: Liệu có phải liên Bộ đang “vượt mặt” Nghị định của Chính phủ để đề ra nguyên tắc điều hành riêng?
Nguyên tắc “to” hơn… Nghị định?!
|
Người tiêu dùng trong nước cho rằng giá xăng dễ tăng, khó giảm. Ảnh: Chí Cường
|
Tại Thông cáo báo chí đăng tải ngày 8/7 trên website chính thức của Bộ Tài chính, có đoạn: “Trong thông cáo báo chí gửi ngày 29/3/2011, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã nêu nguyên tắc: Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 29/3/2011, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, cụ thể: nếu giá thế giới tăng, thì điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện)”. Cụm từ “nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện)” thậm chí còn được nhấn mạnh bằng cách in nghiêng và gạch chân. Đây không phải lần đầu tiên “nguyên tắc” này được nhắc tới. Trước đó, trong Thông báo ngày 10/6 của Bộ Tài chính, cụm từ này cũng đã được nhắc lại để làm căn cứ cho quyết định của liên Bộ về việc không giảm giá xăng, chỉ tăng thuế nhập khẩu và tăng mức Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Cả 2 Thông cáo này đều ra đời trong hoàn cảnh giá xăng dầu thế giới giảm cả một thời gian dài, trong khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên. Tại sao cơ quan quản lý lại nhắc đi nhắc lại “nguyên tắc” được quy định bởi liên Bộ Tài chính – Công Thương ở Thông cáo báo chí ngày 29/3? Phải chăng để trả lời cho quy định tại Điều 27, Nghị định 84 của Chính phủ? Cụ thể, tại Điều 27 quy định rõ rằng: Chỉ trường hợp các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở giảm trên 12% so với giá bán hiện hành, các thương nhân đầu mối mới phải xin phép các cơ quan thẩm quyền để áp dụng các biện pháp điều tiết như: Điều chỉnh thuế nhập khẩu, Quỹ bình ổn giá... trước khi giảm giá. Trường hợp giá giảm dưới hoặc bằng 12%, doanh nghiệp phải giảm giá dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, hiện không có quy định nào của pháp luật cho phép liên Bộ được đề ra nguyên tắc riêng “vượt” Nghị định của Chính phủ!
Kiên trì việc… “giật lùi”!
Sau khi nhắc lại “nguyên tắc” trên, Thông cáo báo chí ngày 8/7 kết luận: “Song xuất phát từ diễn biến và xu hướng giá mặt hàng xăng, dầu, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định không điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng, diezel, dầu hoả, giữ nguyên thuế suất và giá bán các mặt hàng xăng dầu trong nước như hiện hành, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá mặt hàng xăng, dầu trên thị trường thế giới để có những phương án điều hành thích hợp, đảm bảo các nguyên tắc nêu trên”.
Như vậy, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã tự đặt ra nguyên tắc và đã áp dụng luôn nguyên tắc này để điều hành giá xăng dầu trong nước. Với nguyên tắc này, liên Bộ cũng tự nhận luôn về mình “mọi trách nhiệm” trong việc điều chỉnh giá xăng dầu?! Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhờ đó không phải trả lời câu hỏi về việc “lờ” Nghị định của Chính phủ, không giảm giá xăng dầu, khi giá Cơ sở giảm so với giá bán hiện hành theo Điều 27 của Nghị định 84. Một thời gian dài, kể từ khi giá xăng tăng ngày 29/3, giá xăng dầu thế giới và tỷ giá, hai yếu tố đầu vào quan trọng đã giảm sâu, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên không giảm.
Điểm đáng chú ý nữa là tại cả hai bản thông cáo mới nhất về Điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính đều có các cụm từ mang nhiều tính định tính như: “có lúc tăng, lúc giảm nhưng chưa rõ xu hướng biến động” hay “Theo nhiều dự báo của nhiều nhà phân tích, trong thời gian tới giá xăng, dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và có nhiều khả năng tăng”. Nghị định 84 đã định ra một nguyên tắc rất rõ ràng trong điều chỉnh giá xăng dầu căn cứ biến động của các yếu tố đầu vào, nhưng với “nguyên tắc” mới của liên Bộ Tài chính – Công Thương trong thông cáo ngày 29/3, thì việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu nước lại “giật lùi”, quay trở lại tương tự như phương thức điều hành giá xăng dầu đã từng bị chỉ trích trước khi Nghị định 84 ra đời. Nghĩa là cơ chế vận hành giá theo kiểu giá tăng hay giảm là do đánh giá của Tổ điều hành giá xăng dầu?!
Với một “quyền lực” lớn như vậy, thì trách nhiệm của Tổ điều hành là một câu hỏi quan trọng. Cơ chế nào giám sát hoạt động của Tổ điều hành? Trách nhiệm của Tổ điều hành ra sao nếu những phân tích, đánh giá đưa ra là không chính xác?