Cổ phiếu xăng dầu vẫn hấp dẫn dù lỗ
Chỉ 5 ngày sau sau khi Bộ Tài chính ra thông cáo sẽ không giảm giá xăng dầu trong nước và cho biết, kinh doanh xăng dầu đã có lãi, ngày 12/7, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố kế hoạch cổ phần hóa, dự kiến đấu giá, chào bán cổ phiếu lần đầu vào 28/7 tới.
Quả là, động thái điều hành này từ phía cơ quan quản lý sẽ hậu thuẫn rất tốt cho chiến dịch quảng bá sức hấp dẫn của cổ phiếu xăng dầu sắp tới. Bấy lâu, công chúng đã rất quen thuộc với hình ảnh những doanh nghiệp xăng dầu luôn chật vật với bài toán thua lỗ, luôn than phiền về việc cơ chế thị trường nửa vời khiến cho giá xăng dầu bị méo mó và nhất là, khi giá thế giới tăng nhưng Nhà nước không cho tăng.
Một cách sòng phẳng, hình ảnh này sẽ khó mà thuyết phục giới đầu tư chịu bỏ tiền ra mua cổ phiếu xăng dầu. Vì vậy, khi doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất Việt Nam tổ chức đợt IPO lần đầu, sự thành công xem ra ít nhiều sẽ gắn liền với các thông điệp điều hành giá xăng dầu của Chính phủ.
|
Tan biến giấc mơ giảm giá khi xăng dầu IPO. |
Bởi các lẽ trên, buổi công bố IPO của Petrolimex tựa như buổi "họp báo" về hiệu quả kinh doanh xăng dầu. Hầu hết các nhà đầu tư đều chăm chăm hỏi vấn đề nóng nhất về xu hướng giá xăng dầu sắp tới và câu chuyện thực thi Nghi định 84 về kinh doanh xăng dầu theo thị trường.
Ông Hiền, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Hà Nội băn khoăn: Petrolimex tính đến hiệu quả kinh doanh xăng dầu ra sao? Lợi nhuận của khối xăng dầu là rất thấp, đặc biệt trong năm 2010 chỉ có 81 tỷ đồng. Năm 2011 do diễn biến giá xăng dầu tăng quá thấp thì lợi nhuận hợp nhất của Petrolimex sẽ như thế nào?
Nhà đầu tư này cũng phân tích, Petrolimex có chỉ số thu nhập trên vốn chủ sở hữu ROE thấp, chỉ có 13,91%. Nếu vậy, cổ tức sẽ thấp hơn 10-12%.
Trả lời các thắc mắc này, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bùi Ngọc Bảo cho biết, từ đầu năm, kinh doanh xăng dầu của Petrolimex chịu sự điều tiết vì thực hiện bình ổn giá của Chính phủ. 6 tháng đầu năm, kinh doanh xăng dầu không nhưng không có lãi mà còn phát sinh lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ này là do không được điều chỉnh giá.
Mới đây, tin vui cho ngành xăng dầu là Bộ Tài chính đã có văn bản số 8057 ngày 20/6 cho biết sẽ có cơ chế để xử lý tất cả các tồn tại do bình ổn giá, cụ thể là khoản lỗ cho doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm nay.
"Vì thế, năm 2011, chúng tôi sẽ tính lợi nhuận trên cơ sở những phần vận hành theo cơ chế thị trường của Nghị định 84", ông Bảo khẳng định.
Lý giải thêm về khoản lợi nhuận 81 tỷ đồng từ kinh doanh khối xăng dầu năm 2010, ông Bảo diễn giải: "Thực chất, năm ngoái, kinh doanh mảng xăng dầu trong nước bị lỗ tới 564 tỷ đồng. Song, chúng tôi đã phải lấy lãi từ các hoạt động kinh doanh khác để bù vào, giảm áp lực lỗ đối với khối xăng dầu. Vì thế, số lợi nhuận 81 tỷ đồng đó là do hoàn toàn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị là bình ổn giá".
Phải chăng, với thông điệp chính sách "không giảm giá, kinh doanh có lãi và lỗ sẽ được xử lý bù" thì cổ phiếu của Petrolimex sẽ hấp dẫn hơn?
Cơ chế giá xăng sẽ theo thị trường vào quí IV/2011
Petrolimex là tổng công ty kinh doanh đa ngành. Trong đó, hoạt động chính là kinh doanh xăng dầu chiếm tới 84% tổng doanh thu hợp nhất. Ngoài ra, kinh doanh hóa dầu, gas, bảo hiểm, vận tải, ngân hàng chỉ chiếm 16% tổng doanh thu.
Có lẽ vì vậy, việc cân đối, lấy lãi từ ngành khác bù vào vẫn không khiến các nhà đầu tư quan tâm bằng việc, cơ chế xăng dầu liệu có theo Nghị định 84 hay không?
Nhà đầu tư Nguyễn Minh bày tỏ, bao giờ thì Petrolimex kinh doanh xăng dầu hoàn toàn theo thị trường như Nghị định 84 quy định chứ không phải vận hành vì mục tiêu bình ổn như hiện nay?
Ông Bùi Ngọc Bảo phân tích: Tất cả dựa trên quyết định của Thủ tướng. Quí 4/2011, cơ chế xăng dầu kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84 có quản lý của Nhà nước. Theo đó, quy định về mức giá cơ sở rất minh bạch, lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Tính theo sản lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường, có thể ước được lợi nhuận của kinh doanh xăng dầu.
Ví dụ như quí 4/2011, dự kiến lợi nhuận là 491 tỷ đồng. Nếu vận hành đúng 84 thì lợi nhuận cao hơn, ông cho biết.
Ngoài ra, ở Nghị quyết 11, Thủ tướng đã khẳng định điện, than, xăng dầu sẽ chuyển sang kinh tế thị trường. Khi Chính phủ qui định về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh xăng dầu sẽ theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, Nhà nước không bao giờ thả nổi thị trường xăng dầu mà Nhà nước sẽ can thiệp khi cần thiết bằng công cụ thuế và các khoản thu khác.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thực tế, Nghị định 84 không phải là giao toàn quyền cho doanh nghiệp định giá mà chia làm 3 bước. Khi giá đầu vào thay đổi từ 0-7% thì doanh nghiệp tự quyết giá, nếu giá đầu vào tăng từ 7-12%, Nhà nước sẽ bắt đầu can thiệp ở mức độ nhất định.
Nếu biến động đầu vào tăng trên 12%, khi đó, Nhà nước toàn quyền về quyết định giá xăng dầu. Đó là khi thị trường xăng dầu ở vào hoàn cảnh đặc biệt, giá xăng dầu biến động sẽ tác động tới quyền lợi toàn xã hội, đến cả quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
Và hiện nay, thị trường xăng dầu cũng đang ở hoàn cảnh đặc biệt. Nhà nước phải tham gia điều hành để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đó là lợi ích cơ bản của toàn dân và cả doanh nghiệp. Về lâu dài, chúng ta sẽ tiếp tục theo Nghị định 84, ông Tú khẳng định.
Giải thích vì sao vừa qua, giá xăng dầu thế giới giảm mà giá bán lẻ trong nước không giảm, lãnh đạo Bộ Công Thương đã dẫn lại lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh rằng: Khi giá thế giới tăng, giá xăng dầu trong nước không tăng, bù lại Nhà nước không thu thuế, ngừng trích quỹ bình ổn. Nhưng khi giá thế giới giảm, Nhà nước sẽ phải khôi phục lại thuế, trích quỹ đã. Như vậy, ở thời điểm này, phải chờ khôi phục thuế, quý trước khi tính đến việc giảm giá.