Thưa ông, được biết từ ngày 15/7/2011, NMLD Dung Quất sẽ dừng vận hành để tiến hành bảo dưỡng tổng thể. Xin ông giải thích cụ thể về ý nghĩa của lần bảo dưỡng này?
Đây là công tác bảo dưỡng tổng thể lần đầu tiên theo quy định hợp đồng EPC. Với bất cứ dự án lớn nào, sau khi nhà thầu xây dựng, chạy thử và hoàn thiện thành công dự án thì sẽ bàn giao cho chủ đầu tư.
Trong trường hợp này, chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Ban quản lý (BQL) dự án NMLD Dung Quất là đơn vị tiếp nhận quản lý vận hành, sản xuất, kinh doanh nhà máy. Mốc bàn giao cho PVN là 31/5/2010 và ngay sau mốc bàn giao này là bắt đầu giai đoạn bảo hành kéo dài từ 1 - 1,5 năm, tối đa kéo dài 2 năm. Với NMLD, thời gian bảo hành là 2 năm, tính từ đầu tháng 6/2010 đến tháng 6/2012 sẽ hết hạn bào hành. Ý nghĩa của giai đoạn bảo hành là bất cứ hỏng hóc nào xảy ra trong giai đoạn này mà có thể chứng minh được lỗi thiết kế, cung cấp thiết bị do nhà thầu thì họ sẽ phải bồi thường miễn phí.
Đến nay, NMLD Dung Quất đã nhập tổng cộng 142 chuyến tàu dầu thô với tổng cộng 11,1 triệu tấn và sản xuất ra được 9,8 triệu tấn xăng dầu và hoá dầu các loại; xuất bán ra thị trường 9,6 triệu tấn. |
Năm 2010, NMLD Dung Quất nộp ngân sách trên 16 nghìn tỷ, đưa Quảng Ngãi lọt top 5 tỉnh, thành nộp ngân sách Nhà nước nhiều nhất.
Theo thông lệ, trước khi kết thúc giai đoạn bảo hành thì có một mốc quan trọng là bảo dưỡng tổng thể lần đầu tiên kể từ sau khi bàn giao nhà máy. Mốc bảo dưỡng thường được tiến hành trong khoảng tháng thứ 17 đến tháng 22 tháng sau khi bàn giao nhà máy vận hành. Với NMLD Dung Quất, mặc dù nhận nghiệm thu bàn giao từ tháng 6/2010 cho đến khi dừng nhà máy (tháng 7/2011) là khoảng 14 tháng nhưng thực tế NMLD Dung Quất đã vận hành từ tháng 2/2009. Do đó chọn thời điểm giữa tháng 7/2011 để triển khai bảo hành là hợp lý.
Bắt đầu từ 15/7/2011, chúng tôi sẽ tiến hành dừng toàn bộ nhà máy, sau đó mở tất cả các thiết bị, máy móc, hệ thống như: máy bơm, máy nén; hệ thống làm mát, hệ thống đường ống; bể chứa, thiết bị điều khiển, thiết bị điện, tháp phản ứng, lò đốt, bình tách…để kiểm tra chi tiết, làm sạch. Đồng thời sẽ có đội ngũ chuyên gia kiểm tra tỉ mỉ theo quy trình. Đến tháng 9/2011 chúng tôi sẽ có toàn bộ dữ liệu trong tay và đề nghị nhà thầu Technip bồi thường (nếu có).
Trong bối cảnh diễn biến xăng dầu trong và ngoài nước đang khó lường như hiện nay, liệu việc dừng vận hành nhà máy có gây ra những tác động tiêu cực nào đến cung ứng xăng dầu cho thị trường?
Thông thường tại các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới, giai đoạn bảo dưỡng tổng thể này kéo dài từ 2 – 3 tháng. Với NMLD Dung Quất, chúng tôi đặt mốc thời gian trong vòng 2 tháng, kéo dài từ 15/7 đến 15/9/2011. Tuy nhiên trong khả năng có thể, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian từ 1 tuần đến 10 ngày để hồi phục nhanh chóng việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Theo tính toán, trong 2 tháng bảo dưỡng này, tổ hợp NMLD Dung Quất sẽ gây thiếu hụt cho thị trường trong nước khoảng 1 triệu tấn sản phẩm xăng dầu và hoá dầu (xăng dầu và hạt nhựa polypropylen).
Việc này cũng đã được dự tính từ trước nên ngay từ cuối năm 2010, NMLD Dung Quất, PVN và Bộ Công Thương đã cùng các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như: Petrolimex, Petec, PV Oil…lập ra kế hoạch chi tiết để ký kết hợp đồng bổ sung nhập sản phẩm từ nước ngoài, bù vào lượng xăng dầu thiếu hụt. Cho nên người tiêu dùng có thể yên tâm là thị trường xăng dầu vẫn hoàn toàn bình thường và không có tác động tiêu cực nào cả.
Thưa ông, đến thời điểm trước khi bảo dưỡng tổng thể lần đầu tiên, đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam đã có thể đảm đương được bao nhiêu phần trăm các công việc vận hành tại NMLD Dung Quất?
Hiện nay có thể khách quan và tự tin khẳng định rằng, đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam đã đảm nhận được trên 90% các khâu vận hành sản xuất và bảo dưỡng hàng ngày toàn nhà máy.
Với số lượng công nhân, kỹ sư là hơn 1500 người, chúng tôi đã đảm đương khối lượng công việc khổng lồ với rất nhiều công việc mới mẻ do đây là một công trình lớn nhất từ trước đến nay. Đồng thời, đây cũng là dự án phức tạp nhất và có hàm lượng công nghệ mới nhất trên thế giới với rất nhiều hệ thống chủng loại thiết bị công nghệ tối tân như: điện, điện tử, cơ khí, tự động hoá, công nghệ thông tin phức tạp…
Mặc dù thời gian đầu chúng tôi có thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng nhà máy (O&M) theo như thông lệ trên thế giới. Tại thời điểm nhận bàn giao năm ngoái, đội ngũ chuyên gia này lên đến 150 người đến từ Anh, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore…
Đến nay chỉ còn 50 chuyên gia và tiến đến giảm thiểu còn 30 người. Thông thường phải mất từ 3 - 5 năm thuê đội ngũ chuyên gia hoàn toàn nhưng chúng tôi đã giảm đến mức tổi thiểu và một lần nữa thể hiện sự tự tin, bản lĩnh của đội ngũ kỹ sư, công nhân người Việt trong việc nắm bắt, tự chủ vận hành nhà máy trong thời gian rất nhanh.
Được biết kiểm toán nhà nước vẫn đang tiến hành công việc kiểm toán nhà máy. Ông có thể đưa ra một số nhận định cũng như con số quyết toán cuối cùng của lần kiểm toán này?
Tôi không trực tiếp tham gia vào việc kiểm toán lần này nhưng theo tôi được biết kiểm toán nhà nước cũng đã hoàn thành sơ bộ công việc với kết quả tương đối khả quan. Hiện chỉ còn một vài điểm nhỏ đang được giải quyết rốt ráo.
Công việc kiểm toán vừa rồi đã vượt thời gian đưa ra (dự kiến tháng 7 mới xong – PV) không chỉ thể hiện được tinh thần làm việc nghiêm túc tích cực mà cũng là minh chứng điển hình cho công tác quản lý của NMLD Dung Quất luôn tuân thủ theo đúng quy trình pháp luật và quy trình của nhà nước. Tất nhiên một dự án “khủng” như NMLD Dung Quất thì cũng có nhiều ngoại lệ mà các quy định của chúng ta chưa có nhưng kết quả như vậy thể hiện sự cố gắng của tất cả các bên. Về quyết toán kinh phí đầu tư, con số chúng tôi có được về tổng mức đầu tư xây dựng NMLD Dung Quất là 42.818 tỷ đồng và nhà máy nhựa Polypropylen là 3.627 tỷ đồng…
Là một người luôn “đứng mũi chịu sào”, ông phản ứng và nhìn nhận như thế nào trước những luồng dư luận trái chiều về NMLD Dung Quất?
Tôi cho rằng một dự án lớn phức tạp chưa hề có tiền lệ như NMLD Dung Quất, thì việc có các luồng dư luận, ý kiến trái chiều nhau…là điều bình thường.
Quan điểm của chúng tôi là những luồng dư luận trái chiều là tích cực bởi vì cần phải có những người dám phản biện mình để làm mình luôn cố gắng nhìn nhận chính mình, giúp mình phát hiện ra khuyết điểm và sửa chữa.
Tuy nhiên nếu trái chiều đến mức…cực đoan thì cá nhân tôi mong muốn và kêu gọi các cơ quan truyền thông báo chí, các phóng viên - những thành phần quan trọng của dự án lớn là họ hãy cẩn thận và thấu đáo hơn trong việc đánh giá, nhận định và phán xét vấn đề.
Họ có thể là nguồn khuyến khích động viên thổi bùng ngọn lửa và nhiệt huyết nhưng cũng có thể là xô nước làm nguội lạnh tất cả. Là một người đứng đầu dự án, cá nhân tôi cảm nhận được những tác động vô cùng quan trọng của những bài báo đối với công việc của chúng tôi trong thời gian qua. Qua đây, tôi cũng kêu gọi sự đồng cảm của các cơ quan truyền thông, báo chí làm sao có một cái nhìn vị tha, thấu hiểu và đồng cảm hơn nữa với những người “đứng mũi chịu sào” ở những dự án lớn.
Phải hiểu rằng một dự án lớn chưa có tiền lệ như NMLD Dung Quất và cả các dự án lớn khác, người điều hành sẽ phải “phá rào” rất nhiều để tiến lên phía trước và những người trong cuộc phải gánh chịu rất nhiều. Nếu họ không có được sự động viên kịp thời mà còn bị “vùi dập” thì là không công bằng chút nào. Phải giúp họ nhận ra điểm yếu kém nhưng sau những lời nhận xét, góp ý cũng cần thổi bùng ngọn lửa và tiếp sức thêm cho họ để họ có thể “chiến đấu” trên những “mặt trận” lớn như vậy…
Xin trân trọng cám ơn ông!