|
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước ước tăng 7-10%/năm |
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 5 tháng đầu năm nay, đã có hơn 5,14 triệu tấn xăng dầu được nhập khẩu, tăng 15,6% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị là 4,58 tỷ USD, tăng tới 41% về giá trị. Cũng trong 5 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu 3,44 triệu tấn dầu thô, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, với trị giá là 2,89 tỷ USD, tăng hơn 37%.
Con số 4,58 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu trong khi xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 2,89 tỷ USD của 5 tháng qua cũng đang khiến Bộ Công thương - cơ quan điều phối xuất nhập khẩu lo lắng. “Nhiều năm trước đây, xuất khẩu dầu thô đủ bù đắp cho việc nhập khẩu xăng dầu, nhưng thực tế của 5 tháng đầu năm nay cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dầu thô chưa được 3 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu xăng dầu lên tới gần 4,6 tỷ USD. Đáng nói là, nhu cầu xăng dầu trong nước vẫn có chiều hướng tăng cao, đặt ra áp lực rất lớn với nhập siêu”, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận định.
Chia sẻ nhận xét này, ông Nguyễn Quang Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, bình quân 5 tháng đầu năm, giá xăng dầu thế giới đã tăng 32 - 43% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn hẳn so với mức tăng 25% của giá dầu thô. Cụ thể, giá xăng A92 trên thị trường thế giới tăng 35%, mặt hàng diesel và dầu hỏa tăng 43%, còn dầu mazut cũng tăng 34%.
Trước thực tế vài năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong khi sản lượng dầu thô khai thác trong nước tăng chậm hơn, thì việc cân bằng cán cân thương mại trong xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu vẫn gặp những khó khăn nhất định, kể cả khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2009, cả nước xuất khẩu 13,372 triệu tấn dầu thô, với trị giá 6,19 tỷ USD. Năm 2010, các con số tương ứng là 7,97 triệu tấn và 4,95 tỷ USD. Việc giảm xuất khẩu dầu thô này là do một lượng dầu thô khai thác tại các mỏ ở Việt Nam đã được đưa vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để sản xuất xăng dầu.
Giảm xuất khẩu dầu thô tất nhiên cũng đồng thời với việc giảm được một phần nhập khẩu xăng dầu, bởi đã có thêm nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), lượng dầu thô cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2009 là 2,08 triệu tấn; năm 2010 là 5,7 triệu tấn. Tuy nhiên, cũng từ năm 2010, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã bắt đầu sử dụng dầu nhập khẩu với số lượng nhỏ để phối trộn.
Còn dự kiến năm nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần sử dụng 5,6 triệu tấn dầu thô, trong đó chỉ có 4,49 triệu tấn dầu thô từ nguồn trong nước, còn lại là nhập khẩu.
Trên thực tế, lo ngại của Bộ Công thương đối với việc cân bằng cán cân thương mại trong việc xuất dầu thô - nhập xăng dầu nói riêng và những tác động của tình trạng này đến nhập siêu nói chung có lẽ còn xuất phát từ thực tế sản lượng dầu thô khai thác được trong nước gần đây có chiều hướng giảm sút.
Năm 2005, lượng dầu thô khai thác được là 18,8 triệu tấn, nhưng đã giảm dần xuống 17,25 triệu tấn năm 2006 và 15,01 triệu tấn năm 2010.
Tuy nhiên, do giá dầu thô thế giới trong vài năm trở lại đây vẫn đứng ở mức cao, nên dù sản lượng dầu thô khai thác giảm sút so với năm 2005, song doanh thu và tiền nộp ngân sách của ngành dầu khí vẫn đứng ở mức cao chót vót.
Xét trên góc độ toàn nền kinh tế, khi sản lượng dầu thô khai thác trong nước chưa có những đột biến bất ngờ để tăng mạnh được sản lượng hay phần được chia của phía Việt Nam trong các dự án khai thác dầu thô ở nước ngoài vẫn ở mức thấp như hiện tại, trong khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu vẫn tăng 7-10%/năm, thì câu chuyện cân bằng kim ngạch xuất nhập khẩu xăng dầu vẫn có những khó khăn nhất định.
Nếu tính cả Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm đi vào hoạt động, giúp giảm nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thì nhu cầu dầu thô cho 2 nhà máy lọc dầu sẽ lên tới 16,5 triệu tấn dầu thô/năm, vẫn cao hơn so với lượng dầu thô khai thác được hiện nay.