Thế nhưng trong cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu cuối tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu vẫn kêu lỗ và đề nghị tăng giá. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy giá xăng dầu trong nước sẽ không giảm theo xu thế chung của thị trường thế giới, mà có nguy cơ tăng? Báo Hànộimới đã lược ghi một số ý kiến của người tiêu dùng về mối lo ngại này.
Ông Nguyễn Đình Chiến (kinh doanh và cho thuê máy xúc, máy ủi ở quận Long Biên):
"Cần có chính sách quản lý giá xăng, dầu ổn định, chặt chẽ"
Trên thực tế, các dự án xây dựng đều được dự trù kinh phí trước thời điểm thi công 3-5 năm, thậm chí còn lâu hơn. Có những công trình, sau khi đã đấu thầu, ký kết hợp đồng, chúng tôi còn phải chờ vài tháng, hoặc cả năm mới có kinh phí để thực hiện. Cũng có trường hợp thực hiện hợp đồng xong rồi, nhưng nhiều tháng sau mới được thanh lý hợp đồng. Vậy mà giá xăng, dầu luôn bấp bênh, phập phù, khiến cả chủ đầu tư lẫn những người kinh doanh phương tiện vận tải, máy móc như chúng tôi đều bị động. Có trường hợp, lúc ký hợp đồng thì có lãi, nhưng đến khi thực hiện lại lỗ do giá xăng, dầu tăng liên tục như trong dịp cuối năm 2010, đầu năm 2011 vừa qua. Đã có những lúc chúng tôi phải tạm dừng hoạt động vì không thể chịu được sự chênh lệch giá. Sự không ổn định của giá xăng, dầu không chỉ ảnh hưởng tới những người sử dụng phương tiện giao thông đơn lẻ, mà còn chi phối rất nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác. Tại các cuộc họp vừa qua, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu vẫn tiếp tục kêu thua lỗ, lo sợ trước biến động tiếp tục tăng giá của thị trường thế giới để chưa đưa ra đề xuất giảm giá bán lẻ trong nước, Bộ Tài chính chỉ đưa ra giải pháp "khi nào tiêu hết quỹ bình ổn giá thì mới bàn tiếp đến việc tăng giá". Theo tôi, việc quản lý giá xăng, dầu đòi hỏi phải có chính sách chặt chẽ, ổn định hơn, không thể chỉ đơn giản phụ thuộc vào sự tồn tại của "quỹ bình ổn giá" được.
Ông Vũ Tiến Mạnh (Bộ Công nghiệp):
"Kiểm soát chặt các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu
"
Dù liên tục kêu lỗ nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Do có quá nhiều doanh nghiệp với nhiều quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nên cơ quan chức năng khó quản lý chặt chẽ và thống nhất các cơ sở đó. Đầu năm 2011 vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp nhỏ "găm" hàng, không nhập hàng, đóng cửa… để giảm lỗ, chờ tăng giá bán lẻ. Trong khi đó các doanh nghiệp lớn dù lỗ hay lãi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh đều đặn, giúp ổn định nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Điều này cho thấy, để ổn định thị trường xăng, dầu trong nước, bên cạnh việc liên tục điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ hay đưa thuế nhập khẩu xăng, dầu về 0% thì cần kiểm soát chặt chẽ và có các biện pháp ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp tham gia kinh doanh lĩnh vực xăng, dầu.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình):
"Tăng chất lượng dịch vụ vận chuyển công cộng"
Mỗi khi bàn đến giá xăng, dầu, tôi thường thấy rất nhiều lời kêu ca: Nhà nước kêu phải bù lỗ quá nhiều, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu kêu thua lỗ, các ngành kinh doanh khác kêu ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, kinh doanh, người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân càng kêu nhiều hơn vì không có tiền mua xăng… Trong những tiếng kêu đó, chỉ có người tiêu dùng đơn lẻ là không thể điều chỉnh "lỗ" bằng các bài toán kinh tế, trừ khi lấy bớt tiền mua thực phẩm (trong tổng thu nhập) để mua xăng… Nếu chúng ta dùng số tiền xưa nay vẫn phải bù lỗ cho ngành kinh doanh xăng, dầu để xây dựng và phát triển tốt hệ thống vận tải công cộng như xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm… thì sẽ giảm bớt số người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, qua đó, sẽ bớt đi sự kêu ca liên quan đến giá cả xăng, dầu. Với những "tiếng kêu" còn lại, cứ để chúng vận hành và điều chỉnh bằng các quy luật kinh tế thị trường. Khi đã vận hành đúng quy luật, tự các ngành sản xuất, kinh doanh sẽ thúc đẩy nhau cùng tăng trưởng, phát triển thay cho cứ kìm hãm lẫn nhau trong bài toán "lỗ - lãi" như hiện nay.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt (phường Phúc La, quận Hà Đông):
"Sao chỉ có tăng giá mà không giảm?
"
Trong những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin nhiều về việc giá xăng, dầu trên thế giới giảm, chúng tôi mừng lắm, hy vọng giá xăng, dầu trong nước sẽ giảm theo. Suốt từ tháng 3-2010 đến nay, giá xăng, dầu ở Việt Nam liên tục tăng, khiến cho đời sống của người dân gặp không ít khó khăn. Tính đến thời điểm này, chi phí xăng xe mỗi tháng của gia đình tôi tăng gần gấp đôi so với trước tháng 3-2010. Lý do tăng thường được các doanh nghiệp đưa ra là "giá xăng, dầu thế giới tăng". Vậy tại sao đã một tháng trôi qua, giá xăng, dầu thế giới liên tục giảm mà không thấy doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu kêu ca "chậm chính sách giảm giá"? Tại sao thị trường xăng, dầu trong nước không tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường cũng như là quy luật chung của thế giới, chỉ có tăng mà không có giảm?