Cuối năm nay, ít nhất có 4 nhà máy sản xuất ethanol đi vào hoạt động, với công suất dự kiến đủ cung ứng nguồn ethanol pha trộn thành xăng E5 (5% ethanol) cho tổng nhu cầu xăng dầu toàn thị trường, nhưng nguy cơ “ứ” đầu ra đã hiện hữu.
Khi chính sách không song hành
Sau 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015, tầm nhìn đến 2025, chính sách liên quan đến hàng loạt các vấn đề như sản xuất, tồn trữ, phân phối và sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH) - vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Hiện các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi đối với sản xuất nhiên liệu sinh học - ethanol, nhưng chưa có chính sách đối với việc kinh doanh, pha chế và phân phối NLSH - khâu này được xem là yếu tố quyết định để sản phẩm được nhân rộng và phổ biến đến đối tượng khách hàng lần đầu tiên sử dụng dạng NL mới.
Trong khi đó, đón đầu thời cơ, các DN thuộc các thành phần kinh tế đã và đang triển khai đầu tư hàng loạt dự án NLSH với nguồn nguyên liệu sắn lát trong nước. 2 nhà máy đã đi vào sản xuất của Cty cổ phần Đồng Xanh ở Đại Lộc (Quảng Nam), công suất 130 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư trên 500 tỉ đồng và nhà máy của Cty TNHH Tùng Lâm (Đồng Nai), 70 triệu lít/năm. Đặc biệt, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã đồng loạt khởi công 3 nhà máy sản xuất ethanol sinh học tại 3 miền đặt ở Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước, mỗi nhà máy công suất 100 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư 3 nhà máy 270 triệu USD.
Cuối năm nay sẽ có 2 nhà máy là Phú Thọ và Quảng Ngãi đi vào hoạt động. Các nhà máy đều đã ký hợp đồng thu mua sắn với các DN cung cấp, về lâu dài đang xây dựng đề án phát triển vùng nguyên liệu trên cơ sở hỗ trợ giống, vốn cho nông dân, phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để sản xuất sắn cao sản...
Cơ hội có thành hiện thực?
Tại hội thảo “Thực trạng phát triển nhiên liệu sinh học tại VN” do Bộ Công Thương tổ chức hôm 8.6, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) - TS Phan Đăng Tuất cho rằng: Thời điểm hiện tại chính là “thời cơ vàng” của việc đưa xăng E5 sinh học vào sử dụng đại trà, thay thế một phần xăng truyền thống. Làm được điều này sẽ tạo cơ hội để khởi động các loại xăng sinh học tiếp theo như E10, vừa giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm NL, tạo thói quen cho người dân sử dụng xăng sinh học.
Hiện giá xăng đang đứng ở mức trên 20.000đ/lít, thì việc pha xăng E5 với tỉ lệ 5% ethanol là chấp nhận được. Theo ông Tuất, sở dĩ là “thời cơ vàng” vì hiện giá thành sản xuất NLSH thường bằng hoặc cao hơn giá xăng thông thường và phụ thuộc vào giá nhiên liệu đầu vào của nông dân. Trong khi để cạnh tranh và khuyến khích NTD, giá xăng E5 lại phải thấp hơn hoặc chí ít bằng giá xăng thông thường.
Ông Tuất cho rằng, nếu không có cơ chế ưu đãi của Chính phủ cho nhà phân phối và chính sách cho NTD, đồng thời có lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH thì “đầu ra” của các sản phẩm này còn khó.
Theo tính toán của PV Oil, với thị phần và năng lực hiện tại, cả PN Oil và Petec nếu đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tối đa cũng chỉ có khả năng phân phối được 2,37 triệu mét khối, chiếm khoảng 50% sản lượng xăng E5 sản xuất được, 50% lượng xăng E5 còn lại (khoảng 2,42 triệu mét khối) phải được phân phối bởi các đơn vị kinh doanh khác ngoài PVN hoặc tìm hướng XK.
Tuy nhiên, DN này cho biết, dù gặp khó khăn lớn về đầu ra và khâu tiêu thụ xăng E5, nhưng dự kiến đến cuối năm nay, PV Oil vẫn tiếp tục đầu tư mạng lưới phân phối để kinh doanh đại trà xăng E5 trong hệ thống với khoảng 300-400 cửa hàng trên cả nước để đón đầu chính sách.