|
Ông Trần Hữu Phúc |
PV: Chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường kinh doanh xăng dầu hàng không, tại sao Vinapco lại rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay, thưa ông?
TGĐ Trần Hữu Phúc: Do đặc thù và lịch sử của ngành Hàng không Việt Nam, Vinapco đang chiếm tới 97% thị phần cung cấp nhiên liệu bay hiện nay. Dù không còn độc quyền vì mới có thêm một công ty cổ phần nhiên liệu bay của Petrolimex hoạt động tại Tân Sơn Nhất nhưng với tỷ lệ 97% này, Vinapco vẫn nắm vị trí thống lĩnh trên thị trường. Và chúng tôi gặp không ít rắc rối vì điều đó.
Các hãng hàng không nợ tiền xăng dầu, vi phạm hợp đồng... chúng tôi cũng không dễ dàng cắt nhiên liệu bay. Hiện nay, Công ty đang bị 2 hãng hàng không nội địa nợ 210 tỷ đồng, tương đương 50% vốn điều lệ.
PV: Bị nợ tới 50% vốn điều lệ, Vinapco gặp khó khăn gì?
TGĐ Trần Hữu Phúc: Chúng tôi thực sự khó khăn vì 2 khoản nợ này khá lớn, trong đó khoản nợ của Indochina Airlines không biết đến bao giờ mới thu hồi được vì công ty này đã không còn hoạt động. Khoản nợ của Jetstar Pacific (JPA) lên tới 180 tỷ đồng chưa kể lãi suất thì lãnh đạo hãng cam kết tháng 8 này mới có thể trả cả gốc và lãi suất.
Do đến nay, hợp đồng giữa Vinapco và JPA đã hết nên chúng tôi áp dụng giải pháp tình thế là trả tiền trước khi nhập nhiên liệu. Trước 16h30 hàng ngày, JPA trả cho chúng tôi 3,6 tỷ đồng thì xăng cho máy bay sẽ được cung ứng đủ cho ngày hôm sau.
Với vốn điều lệ rất hạn chế, hàng tháng Vinapco phải vay ngân hàng để nhập khẩu nhiên liệu. Lãi suất đi vay cao, chịu rủi ro về tỷ giá lại thêm đang bị nợ tới 50% vốn điều lệ nên hạn mức các khoản vay tín dụng cũng bị giới hạn... Các lý do đó khiến Vinapco rất khó khăn trong việc bảo toàn, phát triển vốn, đảm bảo an ninh năng lượng.
PV: Lãnh đạo Công ty phải chịu trách nhiệm như thế nào trước khoản nợ 27 tỷ đồng của Indochina Airlines?
TGĐ Trần Hữu Phúc: Về khoản nợ khó đòi này, ngày 16/12/2010, chúng tôi đã kiện Indochina Airlines ra Tòa kinh tế thuộc Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vì không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng. Tuy nhiên, sau 4 lần Tòa triệu tập nhưng đại diện hãng không có mặt. Với lý do bị đơn có địa chỉ tại TP.Hồ Chí Minh nên TAND Hà Nội đã chuyển vụ việc sang cho TAND TP.HCM giải quyết.
Việc này là trái với nội dung cam kết giữa hai bên đã thể hiện trong hợp đồng và cho đến nay Vinapco chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ TAND TP.HCM và không biết bao giờ mới thu được nợ. Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng, để làm rõ trách nhiệm với khoản nợ này.
PV: Vị thế độc quyền khiến Vinapco khó khăn trong việc dừng cung cấp nhiên liệu bay cho dù đối tác vi phạm hợp đồng, từ thực tế này, Công ty rút ra bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?
TGĐ Trần Hữu Phúc: Chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm quý báu phải thận trọng hơn trong đàm phán và các điều khoản của hợp đồng để tránh bị đối tác lợi dụng để chiếm dụng vốn. Vì luật quy định, doanh nghiệp độc quyền không thể đơn phương cắt nhiên liệu nên chúng tôi đã có lúc bị đặt vào thế khó.
Tiền không đòi được, giá không đàm phán được và cũng không thể cắt nhiên liệu vì không còn nhà cung cấp nào khác trên thị trường. Nếu có thiệt hại do buộc phải cung cấp nhiên liệu mà không thu hồi được tiền thì trách nhiệm thuộc về ai?
Trong trường hợp của Vinapco, trước khi quyết định cắt xăng với JPA chúng tôi có gửi văn bản cho các cơ quan chức năng như Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Cục Hàng không VN (Bộ GTVT) nhưng không nhận được hướng dẫn phương án xử lý cụ thể. Tôi cho rằng Luật Cạnh tranh khi áp dụng vào một cơ chế thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh thì sẽ có vướng mắc.
Hy vọng rằng sau mỗi trường hợp đáng tiếc như thế này, các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu, điều chỉnh để điều chỉnh Luật hoàn thiện hơn, các luật không chồng chéo nhau. Liên quan tới Luật Cạnh tranh, năm 2009, Vinapco đã bị Hội đồng cạnh tranh quốc gia tuyên bố vi phạm luật cạnh tranh, lợi dụng vị thế độc quyền đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu cho JPA và phải nộp phạt hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình với phán quyết này và đang nộp đơn lên tòa phúc thẩm TAND TP. Hà Nội.
PV: Xin cảm ơn ông.