Giá xăng dầu tại Việt Nam hiện đã ngang bằng và có thể cao hơn giá xăng dầu tại một số nước lân cận như Lào, Campuchia. Hai nước này đã giảm giá hai lần thời gian qua. Khi giá thế giới giảm mà Việt Nam chưa giảm thì bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kiến nghị, nên sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, thay vì giảm giá.
Lãi lớn vẫn kêu
Theo báo cáo của Petrolimex, với mức giá nhập khẩu và bán ra như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang có lãi lớn ở mặt hàng diezel, do thời gian qua, giá thế giới đã giảm và các nước lân cận đã giảm giá hai lần trong thời gian tương ứng. Nhận định giá tại Việt Nam sắp tới sẽ cao hơn so với giá các nước, nhưng đại diện doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn nhất nước lại không đề cập chuyện giảm giá, đỡ khổ cho người tiêu dùng, mà tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính và báo cáo Bộ Công thương cho sử dụng lại cơ chế quỹ bình ổn giá. Việc này đồng nghĩa giá xăng dầu trong nước sẽ không giảm, mặc dù giá thế giới đã giảm khá nhiều.
Theo lý giải của Petrolimex, đề xuất này nhằm giải quyết những tồn tại trước đây, mà nhất là khoản lỗ trên 3.000 tỷ đồng đầu tháng 4 vừa qua, do doanh nghiệp này phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường. Theo bà Huyền, do chưa có nguồn lực từ ngân sách để giải quyết cho doanh nghiệp nên cần phải sử dụng quỹ bình ổn như một cơ chế để tạo nguồn lực trong giai đoạn kinh doanh tiếp theo.
Ngoài ra, sử dụng lại cơ chế quỹ bình ổn giá thời điểm này cũng để giải quyết những “bất công” mà Petrolimex phải gánh chịu. Diezel đang có lãi lớn, nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khác tranh thủ đẩy mạnh nhập về và bán ra, thị phần của Petrolimex bị giảm. “Như vậy, thời kỳ có lãi, Petrolimex bị sụt giảm sản lượng, trong khi sản lượng bình ổn khi lỗ luôn tăng lên. Do vậy, Bộ Tài chính hãy sử dụng công cụ mà Petrolimex cho rằng linh hoạt nhất hiện nay”, bà Huyền nói.
Bà Huyền cũng lý giải thêm, giá thế giới giảm nhưng chưa chắc đã ổn định, nếu đưa thuế vào như một công cụ để điều hành với cách điều hành hiện nay của Bộ Tài chính, thì hiệu quả sẽ rất chậm. Quỹ bình ổn giá sẽ linh hoạt trong điều hành, và có thể nửa tháng lại xem lại một lần. Bản chất chỉ khác là thuế sẽ điều tiết ở đầu vào, còn quỹ bình ổn sẽ điều tiết ở đầu ra. Nếu dùng quỹ bình ổn sẽ giải quyết được việc khi doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường sẽ thu hồi được lỗ.
Không giảm giá là điều khó chấp nhận
Theo báo cáo của các địa phương và Cục Quản lý thị trường, trong tháng 4 và tháng 5, do nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo nên việc nhập xăng, dầu để phục vụ nhu cầu trong nước cơ bản đáp ứng đủ. Tình trạng găm hàng, bán hàng nhỏ giọt cũng được khắc phục. Để góp phần ổn định thị trường xăng dầu, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra chống xuất lậu xăng, dầu, nhất là khu vực biên giới Tây Nam. Theo ông Phạm Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh, hoạt động buôn bán xăng, dầu lậu qua biên giới trên địa bàn Tây Ninh không nóng như trước.
Còn đại diện Petrolimex lo, có thể trong thời gian tới, giá xăng, dầu tại Việt Nam sẽ cao hơn với các nước Lào, Campuchia và sẽ diễn ra tình trạng nhập lậu từ nước ngoài vào.
Dù lo thêm đối thủ từ xăng, dầu nhập lậu, nhưng đơn vị đầu mối kinh doanh xăng, dầu lớn nhất này lại kiến nghị giải pháp để không giảm giá xăng, dầu là điều khó chấp nhận. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cũng cần công bố mức chênh lệch rõ ràng giữa giá xăng, dầu tại Việt Nam với giá của các nước trong khu vực, công bố mức lãi cụ thể đối với từng mặt hàng, để tìm ra tỷ lệ hài hòa giữa bình ổn và giảm giá bán lẻ. Ngoài ra, khi cần chống xuất lậu, chúng ta đã thực hiện tăng giá và đã được coi như một công cụ hữu hiệu, thì khi có thẩm lậu, giảm giá cũng cần phải được coi như công cụ hữu hiệu để người tiêu dùng được công bằng.