Giá xăng dầu lại muốn “nhảy múa”?
5/31/2011 1:30:00 PMTin trong nước

Tại cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu, đặc biệt là "ông lớn" Tổng Cty xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (chiếm 2/3 thị phần) đang đưa ra nhiều con số cho rằng lỗ nặng.

Nhiều người hiểu đây là "động thái" nhằm chuẩn bị đề xuất xin tăng giá xăng dầu trong thời gian tới. Người tiêu dùng thì không khỏi lo lắng trước thông tin này.

Doanh nghiệp kêu lỗ

Ông Cao Văn Hân, Giám đốc điều hành của Tổng Cty Xăng dầu Quân đội cho biết: Từ năm 2008 đến giờ, Tổng Cty xăng dầu quân đội phải chịu lỗ rất nhiều. Trước đây thực hiện theo NĐ 55, bù lỗ xăng, giảm bù lỗ dầu, tháng 6/2008 Nhà nước tuyên bố chuyển sang thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng trong những tháng đó không thực hiện( Nhà nước vẫn bù bỗ, chuyển vào giá thành sang năm 2009).

Năm 2009, DN vẫn bán theo giá Nhà nước nên vẫn lỗ. Năm 2010 lại càng lỗ nặng. Lỗ chồng lỗ nên DN phải vay tiền ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con nên ngày càng tạo ra khoản lỗ khổng lồ. Có những lúc, DN kinh doanh phải chịu lỗ đến vài ngàn /1 lít nhưng đề xuất nhiều lần vẫn không được chấp nhận nên hiện nay Tổng Cty xăng dầu quân đội không có đề xuất nào mới.

"Petrolimex thì họ còn có những khoản kinh doanh khác để bù vào như ngân hàng, chứng khoán... Tôi nghe nói năm ngoái Petrolimex lãi 1.200 tỷ đồng ( trong khi lỗ xăng dầu khoảng 7-800 tỷ đồng). Còn bên Tổng Cty xăng dầu quân đội chỉ chủ yếu là kinh doanh xăng dầu. Nhưng làm ăn không hiệu quả nên phía Tổng Cty đã phải thực hiện kế hoạch thu hẹp kinh doanh", ông Hân nói.

Cũng theo ông Hân, Nghị định 84 của Chính phủ về vận hành kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng mới chỉ được thực hiện trong 2 tháng (tháng 1- 2/2010), sau đó lại bị dừng lại. Trong khi đó các DN kinh doanh xăng dầu lại phải chấp hành đúng Thông tư 56 của Bộ Tài chính (nay là Thông tư 234) về trích Quỹ bình ổn.

"Giá Nhà nước quy định bán thấp hơn giá vốn nên trích bao nhiều Quỹ bình ổn thì càng lỗ thêm vào bấy nhiêu. Đã lỗ mà trích thì càng tăng thêm phần lỗ. Thực ra, Quỹ bình ổn chỉ phát huy được tác dụng nếu Nhà nước cho phép DN bán đúng giá. Còn giá bán hiện nay là một mức giá không thực. Không hiểu dựa vào cơ sở nào, tiêu chí nào để đưa ra mức giá này", ông Hân băn khoăn.

Còn tại buổi họp giao ban xuất nhập khẩu tháng 5 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cũng đưa ra lời kêu ca về giá xăng dầu hiện nay.

Cũng theo Petrolimex thì hiện tại giá xăng A92 của Việt Nam đang thấp nhất so với các nước trong khu vực như Lào xăng A92 có giá 27.000 đồng /lít và A95 là 29.700 đồng /lít, Campuchia cũng có giá lần lượt là 26.000 đồng và 28.000 đồng /lít; Thái Lan 24.800 đồng và 26.000 đồng /lít, trong khi đó giá trong nước là 21.300 đồng và 21.800 đồng /lít. Như vậy có thể thấy, mặt hàng này đang chênh lệch giá từ 10-40% so với các nước lân cận.

Ngoài ra lãnh đạo Ptrolimex cũng đưa ra lý do: Sắp tới, nhà máy Dung Quất sẽ phải đóng cửa 2 tháng để bảo dưỡng định kỳ nên sẽ làm cho nhu cầu nhập khẩu xăng dầu tăng lên, kéo theo nhu cầu sử dụng ngoại tệ cũng lên cao. Nhưng thời gian vừa qua giá dầu thế giới đã liên tục nhảy múa thất thường, hiện nay đã tăng lên 100 USD/thùng. Ông Kiên cũng đề nghị giá xăng dầu trong nước cần nhanh chóng xử lý điều hành kinh doanh theo đúng Nghị định 84 và có giải pháp giúp đỡ hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Băn khoăn con số lỗ lãi


Trước lý do mà Petrolimex đưa ra nhằm đề xuất tăng giá xăng dầu trong thời gian tới, TS Võ Trí Thành- Trưởng ban Hội nhập, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bình luận: "Về nguyên tắc, giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường (tức thị trường thế giới), không phải thị trường trong nước. Thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới có biến động thất thường, tuy nhiên lại chiều hướng giảm chứ không phải tăng. Do đó, lý do mà Petrolimex đưa ra là do giá dầu thế giới tiếp tục tăng khiến các DN xăng dầu trong nước vẫn chịu lỗ có vẻ không hợp lý. Giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, vậy tại sao chỉ có tăng mà không giảm?".

"Lý do thứ hai Petrolimex đưa ra là Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải đóng cửa 2 tháng để bảo dưỡng định kỳ nên sẽ làm cho nhu cầu nhập khẩu xăng dầu tăng lên. Tại thời điểm căng thẳng về xăng dầu, không sản xuất được bắt buộc chúng ta phải nhập. Tuy nhiên, về bản chất giá xăng dầu nhà máy Dung Quất cũng phải vận hành theo giá thế giới. Do đó, điều quan trọng để điều chỉnh giá trong nước phải phụ thuộc vào thời điểm nhập, giá thế giới đang dao động ở mức nào. Lâu nay, chúng ta chỉ thấy DN nhập khẩu kêu và Nhà nước phải rót vốn. Thực tế, con số thật là bao nhiêu thì cũng không ai rõ. Theo tôi, cần phải minh bạch thông tin, trong đó DN phải hạch toán rõ chi phí lỗ lãi và phải công bố rõ ràng", TS Võ Trí Thành đề xuất.

Có phần trái chiều với nhận định của TS Võ Trí Thành, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá: "Việc Petrolimex đề nghị tăng giá xăng là có thể hiểu được vì giá xăng dầu thế giới gần đây dao động xung quanh 100 USD/1 thùng, cao hơn giá Petrolimex hiện nay bán trong nước. Vì vậy cần tính toán tăng giá thế nào cho hợp lý để giảm bớt gánh nặng cho Petrolimex nói chung và các DN xăng dầu nói riêng".

Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh thì việc tăng xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn lạm phát đang ở mức cao như hiện nay. Do đó, việc điều chỉnh cần phải cân nhắc hợp lý và bắt buộc phải có sự điều tiết của Nhà nước.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên thì thời gian qua nhờ việc triển khai tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ, thị trường ngoại tệ và ngoại hối cũng đã ổn định, cân đối ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu cũng bớt căng thẳng.

Việc chi tiêu về xăng dầu đang tăng cao và bài toán điều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế thị trường là vấn đề nóng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực kìm chế lạm phát. Điều chỉnh giá xăng dầu có thể tác động đến nhiều mặt hàng khác, cho nên vấn đề này hiện nay bắt buộc phải có sự điều tiết của nha nước.

Đúc rút kinh nghiệm từ việc điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng cho rằng điều chỉnh giá là một yếu tố then chốt trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như cân đối xuất nhập khẩu.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent