Xăng bán nhỏ giọt còn do bị giảm nguồn cung
5/5/2011 9:34:00 AMTin trong nước

(VEF.VN) - Nguồn cung cấp xăng dầu về các cây xăng đại lý hiện nay đang sụt giảm đã dẫn tới tình trạng các cây xăng đóng cửa, bán cầm chừng mấy ngày nay, ông Võ Văn Quyền, Phó Cục trưởng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết hôm 4/5.

Theo thông tin từ vị quan chức này, việc các cây xăng bán nhỏ giọt đã tái diễn gần một tuần qua, từ trước dịp nghỉ lễ 30/4 tại một số địa phương như An Giang, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Ninh Bình...

Ông Quyền cho hay, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại chỗ một số cây xăng, phát hiện có dấu hiệu các cây xăng ghim hàng, giảm lượng bán để chờ tăng giá. Nhưng bên cạnh đó, nguyên nhân chính được phát hiện là do nguồn cung ứng xăng dầu tới các cây xăng có dấu hiệu giảm.

Báo cáo sơ bộ từ các Chi cục cho thấy, đối chiếu các hợp đồng mua bán, nhập khẩu xăng dầu, các phiếu xuất nhập vào kho, lượng hàng tồn kho, cơ quan quản lý thị trường đã xác nhận các cây xăng bán lẻ bị tiết giảm lượng hàng xăng dầu so với hợp đồng.

Ở hai đợt trước, trước và sau 2 kỳ tăng giá xăng, lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt hành chính đối với hơn 1.000 trường hợp, song, chỉ rút giấy phép được khoảng 3-4 trường hợp cây xăng bị tái phạm.

Tính từ đầu năm đến nay, việc găm hàng và các tin đồn tăng giá xăng lên tới hàng chục nghìn đồng đã lặp lại khá nhiều lần. Hàng loạt văn bản của Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường gửi các doanh nghiệp đầu mối và các Chi cục quản lý thị trường đều yêu cầu phải chấn chỉnh hệ thống bán hàng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hạn chế đầu cơ găm hàng.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản từ chối các đề xuất xin tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, tiếp tục giữ nguyên giá bán lẻ. Tuy nhiên, các động thái này vẫn chưa cải thiện được tình hình rối ren trên thị trường ở một số tỉnh lẻ.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến sáng 4/5 của Bộ Công Thương, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định, mặc dù chịu áp lực lớn về chênh lệch giá song, nhìn chung, công ty vẫn đảm bảo đủ nguồn hàng ra thị trường.

Trong 4 tháng, Petrolimex đã nhập 3,7 triệu m3/tấn xăng dầu, đảm bảo tồn kho bình quân 30 ngày theo qui định, trong đó, 80% xăng dầu là nhập khẩu và 20% mua từ Dung Quất. Đến thời điểm này, ,Petrolimex đã ký hợp đồng mua xăng dầu cho hết quí II, đảm bảo nhập khẩu 5,5 triệu m3/tấn, đảm bảo cho tăng trưởng thị trường 17%.

Như vậy, Tổng công ty vẫn đảm bảo đủ nguồn cho hết quí II, ông Bảo quả quyết.

Ông Nguyễn Văn Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết thêm, nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn chạy 100% công suất. Bốn tháng qua, nhà máy này đã sản xuất được 2 triệu tấn.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho rằng, do giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao nên tại một số địa phương có hiện tượng găm hàng và xuất lậu xăng dầu qua biên giới.

"Chênh lệch giá hiện đang ở khoảng cách tương đối lớn. Bình quân 4 tháng qua, dầu thô chỉ tăng tăng 23%, nhưng xăng dầu thành phẩm đã tăng cao hơn rất nhiều. Cụ thể, giá xăng tăng 32% so với cùng kỳ, diesel tăng 43%... nên đã tạo áp lực lớn cho giá xăng dầu trong nước, đặc biệt trong tháng 4", vị TGĐ này phân tích.

Vì vậy, việc vận hành thị trường xăng dầu theo đúng tinh thần Nghị định 84 sẽ có hiệu ứng tốt hơn cho tình hình xăng dầu hiện nay", ông Bảo kiến nghị.

Trước ý kiến của Petrolimex, ông Võ Văn Quyền cho biết, doanh nghiệp có thể kiểm soát được đối với hệ thống đại lý thuộc sở hữu của doanh nghiệp, song với hệ thống Tổng đại lý bên ngoài thì rất khó. Từ các tổng đại lý tư nhân này xuống tới các cây xăng bản lẻ, nguồn cung xăng dầu có đảm bảo liên tục hay không thì chính doanh nghiệp đầu mối cũng khó nắm bắt.

Nhìn nhận về các khó khăn trên của ngành xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bày tỏ, trong bất kỳ tình huống nào, Bộ sẽ chỉ đạo vẫn đảm bảo cung ứng đủ nguồn xăng dầu trong nước.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent