Xem xét sửa đổi quy định liên quan quỹ bình ổn giá xăng dầu
4/15/2011 2:47:00 PMTin trong nước

Theo tin từ bộ Tài chính, bộ này đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để sửa đổi các quy định hướng dẫn về việc hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.


Nhân dịp này, báo Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thoả, cục trưởng cục Quản lý giá xung quanh các vấn đề về điều hành giá xăng dầu và nguồn quỹ nói trên.

Trong hai tháng vừa rồi, bộ đã hai lần điều chỉnh giá xăng. Trong những ngày gần đây, giá dầu thế giới lại liên tục tăng cao. Nếu doanh nghiệp kinh doanh tiếp tục đề xuất tăng giá trong thời gian tới, cơ quan quản lý có chấp thuận không, thưa ông?

Xăng dầu tiêu thụ trong nước chúng ta phải nhập khẩu là chủ yếu nên giá trong nước phụ thuộc vào giá thế giới. Về nguyên tắc, xăng dầu đã thực hiện theo cơ chế thị trường thì phải điều hành theo tín hiệu thị trường: giá thế giới tăng thì phải điều chỉnh tăng, giá thế giới giảm thì phải điều chỉnh giảm. Hai lần điều chỉnh giá vừa qua mới chỉ bằng khoảng 40 – 50% so với mức chi phí tăng cần phải điều chỉnh (vì Nhà nước vẫn lùi thuế nhập khẩu về 0% và không tính lãi của doanh nghiệp tại thời điểm điều chỉnh giá). Phương án điều hành sẽ là: nếu giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá hiện hành bình quân 30 ngày thì phải điều chỉnh giá tăng để đảm bảo việc kinh doanh bình thường. Không thể cứ mua cao, bán thấp làm suy kiệt nguồn tài chính của doanh nghiệp và khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu thêm phức tạp. Cũng trong thời gian đó, nếu giá cơ sở giảm thấp hơn giá hiện hành thì phải khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức độ hợp lý, nếu còn dư địa sẽ thực hiện việc giảm giá bán.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay cho rằng nghị định 84/NĐ-CP (năm 2009) của Chính phủ về quản lý, kinh doanh xăng dầu có một số điểm không thực tế, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có những điểm chưa ổn. Bộ Tài chính có dự kiến sửa đổi các nội dung này không, thưa ông?

Hiện nay, bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để sửa đổi thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9.12.2009 hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo nghị định 84 của Chính phủ. Chúng tôi dự định đề xuất tăng định mức kinh doanh và lợi nhuận cho nhà nhập khẩu đầu mối nhằm đảm bảo bù lỗ cho các hoạt động kinh doanh xăng dầu khi giá thế giới tăng cao. Cụ thể, tăng định mức kinh doanh trong cơ cấu giá bán lẻ từ 400 – 600 đồng lên 860 đồng một lít xăng, dầu. Bên cạnh đó, khoản lợi nhuận định mức trích lại cho doanh nghiệp cũng tăng lên thay cho mức 300 đồng đang áp dụng.

Với đề xuất nâng các khoản chi kể trên, giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng lên hơn nữa?

Công thức tính giá bán lẻ xăng, dầu hiện nay cũng chịu sức ép bởi tỷ giá, lạm phát và bị xem là không phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, việc chỉnh sửa các mức lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà nhập khẩu.

Bộ Tài chính đã cho phép tập đoàn Than – khoáng sản tăng giá than từ tháng 4.2011. Bộ đánh giá thế nào về tác động của việc tăng giá này đến các mặt hàng khác như phân bón, giấy, ximăng...?

Tăng giá than ở mức 20 – 40% (tuỳ loại than) sẽ làm tăng giá thành sản xuất ximăng khoảng 5,7 – 6,4% tuỳ từng nhà máy; giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 3,5%; giá thành sản xuất phân lân tăng khoảng 6 – 6,4%; giá thành sản xuất phân đạm tăng khoảng 15 – 18% tuỳ theo từng thời điểm. Giá thành tăng nhưng giá bán có tăng tương ứng theo tỷ lệ này không lại còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như giá thị trường, sức mua, nhu cầu của xã hội đối với các sản phẩm này; khả năng cạnh tranh và hiệu quả quản lý của doanh nghiệp phấn đấu tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý.

Đợt thanh tra giá và thuế mà bộ đang triển khai đối với bảy mặt hàng (trong đó có xi măng, phân bón) chỉ tính các yếu tố hình thành là tỷ giá, điện, xăng dầu. Yếu tố tăng giá than mà ông vừa nói có được bổ sung vào đây không, thưa ông?

Tất cả các yếu tố cấu thành giá của các sản phẩm này đều được xem xét (cả các yếu tố có biến động và các yếu tố không có biến động) căn cứ vào quy chế tính giá do bộ Tài chính ban hành để xem doanh nghiệp có hạch toán giá đúng không; có lợi dụng việc tăng giá đầu vào để tăng giá đầu ra bất hợp lý không để từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent