Hốt bạc nhờ tin đồn
4/5/2011 3:02:00 PMTin trong nước

Sự kiện dân đổ xô đi mua xăng trong ngày hôm qua (4/4) cho thấy sự ứng xử theo tâm lý “bầy đàn” đang ngày càng trở nên phổ biến. Thực tế cho thấy, cảnh chen nhau mua xăng dầu, nhà đất, đô la…khiến không ít người ngậm "quả đắng". Ngẫm kỹ, đằng sau cảnh nhốn nháo của người dân là sự ung dung hốt bạc của một bộ phận giới đầu cơ, bởi tin đồn đã được “mua”.

Tin đồn, dân lợi ít thiệt nhiều

Tin đồn tăng giá xăng khiến người dân đổ xô đi mua diễn ra ở nhiều tỉnh, thành  phố trong ngày hôm qua (4/4), làm cho các trạm đổ xăng trở nên hỗn loạn và quá tải. Ngay lập tức, lãnh đạo Bộ Công Thương đã khẳng định, đây chỉ là tin đồn thất thiệt. Người tiêu dùng hãy tỉnh táo để không mắc bãy, kẻ xấu lợi dụng tâm lý đám đông để gây sốt hàng, tăng giá.

Chen nhau “bẹp ruột”, nhiều cũng chỉ được vài chục lít xăng, kết quả là người dân thiệt thêm khi mất hàng giờ đồng hồ chen lấn, thậm chí phải chịu mua giá cao hơn.

Đây không phải là lần đầu những tin đồn kiểu này gây xáo trộn trên thị trường. Chưa điểm tới những vụ đồn thổi ở lĩnh vực văn hoá – xã hội, chỉ tính riêng những tin đồn lĩnh vực kinh tế thôi đã đủ thấy “lời như gió bay” này cần phải nghiêm túc xem xét giải quyết triệt để. Tránh thiệt hại cho người dân và cũng nhằm ổn định kinh tế-xã hội.

Mới đây nữa thôi, thị trường bất động sản đang trầm lắng bỗng rộ lên hiện tượng sốt đất phía Bắc Thủ đô Hà Nội. Các nhà đầu tư lại thi nhau đổ xô đi săn đất chỉ vì thông tin Hà Nội sẽ di dời hàng loạt bệnh viên, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành, mà phần lớn dịch chuyển về phía Bắc. Giá đất nhanh chóng bị đẩy lên gấp đôi, gấp ba.

Chưa biết người dân nào được lợi từ tin đồn này, nhưng sau đó thị trường đã hụt hẫng vì đó cũng chỉ là tin đồn.  Nhiều chuyên gia về bất động sản đã cảnh báo, không nên phản ứng vội vã và thái quá. Bởi tâm lý đám đông càng khiến giới đầu cơ được dịp hốt bạc.  Bài học về sốt đất Ba Vì vẫn còn đang khiến nhiều người chưa nhả hết “quả đắng”, khi ôm mộng làm giàu.

Trên thị trường tài chính tền tệ, thị trường được coi là nhạy cảm nhất của nền kinh tế, lại là nơi dễ bị tin đồn tác động mạnh nhất . Điểm lại cũng không ít vụ gây hoang mang, thất thiệt cho người dân lẫn giới đầu tư. Cách đây chỉ hơn 1 năm, tin đồn NHNN phát hành mệnh giá 1.000.000 đồng, đồng thời liên tiếp thêm tin về việc các ngân hàng sẽ phải mua trái phiếu bắt buộc với tỷ lệ tới 50% vốn điều lệ, mức cao gấp 5 lần so với yêu cầu Chính phủ đưa ra vào thời điểm khó khăn nhất vì khủng hoảng tiền tệ toàn cầu 2008. Tin đồn cùng năm về tăng lãi suất cơ bản và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, thậm chí đã khiến thị trường chứng khoán rớt điểm thê thảm.

“Lâu nay chúng tôi sống nhờ tin đồn!”

Có thể thấy, người dân là đầu cuối tiếp cận nguồn thông tin từ các chính sách của nhà nước,  nên khó tránh khỏi phản ứng “bầy đàn” do  sự thiếu thông tin lẫn sự hiểu biết thấu đáo. Đây là phần hở mà các cơ quan chức năng cần nhìn rõ, tránh  khi chính sách kịp đến với người dân thì tin đồn đã đủ thời gian gây thiệt hại.

Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận thực tế đã có những tin đồn trở thành sự thực. Trao đổi với một số doanh nghiệp, hầu hết họ đều cho rằng, tin đồn gây mất ổn định cho kinh tế-xã hội là có, nhưng bên cạnh đó vẫn có những bộ phận săn lung tin để hưởng lợi, đó là khi tin đồn đã được “mua”.

Chẳng nói đâu xa, chuyện tăng lương thôi cũng đủ khiến người dân thiệt đủ đường, lâu nay mỗi lần Chính phủ có ý định tăng lương, văn bản chưa ký ráo mực thì giá cả ngoài thị trường đã vù vù chạy trước lương.  Người sống bằng đồng lương công chức chỉ còn biết than “giá ơi chờ lương với!”, vì lương tăng 1 đồng thì giá đã tăng 3 đồng.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, trước thời điểm NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng USD/VND (ngày 11/2/2011), nhiều doanh nghiệp đã phải có phương án đối phó rồi. Chính vì vậy, sau khi điều chỉnh tỷ giá USD trên thị trường tự do biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra không ngạc nhiên. “Lâu nay chúng tôi sống nhờ tin đồn, chứ chờ NHNN công bố chính sách thì doanh nghiêp làm sao trở tay kịp trước biến động của thị trường…Trong kinh doanh, biết trước hay lường trước được những gì sẽ đến từ chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp đó đã thắng tới 90%...”, vị giám đốc này nói.

Cũng là nhận xét của một số giám đốc doanh nghiệp, tin đồn lúc thực, lúc hư nên rất dễ tác động. Chính vì thế có những tin đồn  khi đến được tai người dân, thì đã có một bộ phận giới đầu cơ thâu tóm rồi, vì cái xảy ra trong tin đồn đó đã được “mua”.  Nhiều doanh nghiệp có thể bình tĩnh trước tin đồn vì đã quá hiểu rõ bản chất của nó, nhưng người dân khác thì khó tránh khỏi.

Qua cách ứng xử này có thể thấy vì sao nhưng năm gần đây các chuyên gia kinh tế lại được các doanh nghiệp coi như là những “thầy bói” tiên đoán sự biến động của nền kinh tế, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ảnh minh họa
Tin đồn đến tai người dân thì đã có một bộ phân giới đầu cơ thâu tóm

Giải pháp cho những tin đồn

Cứ đến cận Tết, các cơ quan chức năng lại phát ra thông điệp đủ hàng cung ứng phục vụ trong dịp Tết. Vì sao lại có thông điệp này? Ai cũng biết thời điểm cận Tết nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, chỉ cần tin đồn thất thiệt cũng khiến tư thương được dịp đẩy giá lên. Điều đó cho thấy, các cơ quan quản lý cũng quá rõ tác hại của tin đồn cũng như tâm lý đám đông của người dân. Tuy vậy, chừng đó động tác thôi chưa đủ.

Có ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cũng cần thận trong khi cung cấp thông tin và phải thống nhất trước sau như một với những thông tin đó, để góp phần lành mạnh thị trường, tránh những thiệt hại không đáng có cho người dân.

Khá nhiều doanh nghiệp nhận xét, tính minh bạch và sự thống nhất trong điều hành của các cơ quan quản lý là tối cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung. Thông qua Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh trong năm vừa qua cho thấy, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian lại có xu hướng sụt giảm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một trong những chuyên gia kinh tế được nhiều doanh nghiệp mời đi “coi bói” nhất đã nói rằng, chính sách có minh bạch thì mới tăng niềm tin của người dân. Điều này sẽ là một trong những yếu tố để dập tắt phản ứng tâm lý đám đông trước tin đồn.

Sự kịp thời phản ứng trước tin đồn của các cơ quan chức năng cũng giúp người dân bình tĩnh hơn. Nhưng để các cơ quan chức năng kịp biết tin đồn thì vai trò giám sát, quản lý thị trường cần được chú trọng. Không những vậy, việc cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí sẽ giúp giảm thiểu những tác hại của tin đồn.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent