Không nên quá khắt khe với việc tăng giá xăng?
4/5/2011 7:47:00 AMTin trong nước

Đến nay, đẩy nhanh “thị trường tự định giá xăng dầu” vẫn là giải pháp tốt nhất, cần thực hiện nhanh hơn. Nếu càng nhanh chóng để giá xăng “đi theo hướng thị trường” thì mới sớm thoát khỏi cái mớ bùng nhùng trong quản lý. Trong dài hạn, việc đó tránh được những cơn khủng hoảng kép, đảm bảo cân đối vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội hơn hẳn việc kìm hãm, bao cấp giá.

LTS: Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Quang A, cách can thiệp "giật cục", ứng xử bất nhất của các nhà chức trách với các đợt tăng giá xăng vừa qua và nhiều năm nay, cùng với lạm phát gây ra cơn bão giá đã và đang góp phần huỷ hoại lòng tin nơi người dân. Lòng tin bị huỷ hoại chính là tác hại rất lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Vậy làm thế nào để mỗi lần tăng giá xăng dầu, người dân chấp thuận như một lẽ hiển nhiên? Cách điều hành của Nhà nước với mặt hàng nhạy cảm này sao cho hợp lý, minh bạch, tránh giật cục? Mời độc giả theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Quang Vinh - như một góc nhìn, một đề xuất với cơ quan quản lý. Mọi ý kiến tranh luận xin gửi về vef@vietnamnet.vn.

Ngày 29/3 Bộ Tài chính đã có quyết định tăng giá xăng thêm 2.000-2.500 đồng/lít. Như vậy trong hơn một tháng, xăng đã hai lần tăng giá với mức tăng gần 30%, một mức tăng rất lớn so với nhiều chỉ số kinh tế khác.

Việc tăng giá xăng đợt này cũng không quá bất ngờ, bởi hơn một tháng trước đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã nói: "Nếu điều chỉnh để xăng dầu không lỗ và đi theo thị trường thì xăng phải tăng khoảng 6.500 đồng/lít"(1), nghĩa là xăng phải tăng lên tới giá khoảng 26.000 đồng/lít mới là thỏa đáng". Với giá chưa đến 22.000 đồng/lít như hiện nay thì trong tương lai gần tất nhiên xăng sẽ tiếp tục tăng giá. Xăng tăng giá đương nhiên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân, và nhận được phản ứng khó chịu của đa số những người quan tâm.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, nên chăng cần nhìn nhận việc tăng giá xăng "thoáng" hơn, nhẹ nhàng hơn và thực tiễn hơn.

Tăng giá là tất yếu

Có nhiều lý do để viện dẫn cho việc tăng giá xăng. Về tâm lý người tiêu dùng, hoàn toàn muốn dùng xăng với giá rẻ, nhất là trong thời buổi "bão tăng giá" như hiện nay. Nhưng cần hiểu hơn về những cân đối vĩ mô và được giải thích trong những tính toán dài hạn.

Thứ nhất, đã là thị trường cần phải giải phóng các hình thức nâng đỡ từ Chính phủ đối với giá của hầu hết các mặt hàng mua bán. Tư duy hiện nay vẫn cho rằng xăng là mặt hàng chiến lược, cần quản lý giá, và người tiêu dùng thì vẫn quen với cảm giác được bao cấp giá xăng rồi. Nhưng thực sự có cần đến thế, tức là có thực sự cần khống chế mức giá bán trong nước. Việc kìm giữ giá xăng dầu có thực sự cho kết quả "ổn định vĩ mô" hay lại làm nảy sinh các hệ lụy khác, rắc rối, khó gỡ (ví dụ làm cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ, mất vốn, nhà nước phải bỏ ngân sách cấp bù). Tiền vẫn mất mà tật vẫn mang.

Ở một góc độ khác, chính việc chúng ta kìm giữ gía xăng dầu quá lâu, quá mức cần thiết đã góp phần làm xô lệch nhiều chỉ tiêu kinh tế, dẫn đến đánh giá thiếu chính xác hiện trạng kinh tế nước nhà.

Thứ hai, công cụ hữu hiệu mà Chính phủ dùng để điều tiết giá xăng là thuế nhập khẩu thì cũng đã lùi về 0%, và các khoản thu vào xăng dầu khoảng 22% (theo lời Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) chắc cũng đã được tính toán cẩn thận. Không thể bỏ thu từ xăng dầu để đạt mục tiêu giảm giá, vì xét cho cùng không phải ai cũng được hưởng lợi từ giá xăng dầu rẻ. Tiền thu từ xăng dầu (từ những tổ chức kinh doanh xăng dầu và người dùng xăng dầu) còn dùng cho nhiều mục tiêu xã hội khác thì mới đảm bảo công bằng về phúc lợi xã hội, nhất là cho người không dùng xăng dầu.

Nếu so sánh mức giá xăng dầu nội địa của những quốc gia khác nhau để nói giá xăng dầu của Việt Nam cao hay thấp cũng không hoàn toàn chính xác được. Như ý kiến tác giả bài báo Uẩn khúc giá xăng dầu, đăng trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 1/4/2011, thì "... bản chất giá xăng dầu các quốc gia khác nhau, là do các khoản thu vào ngân sách của các Chính phủ là khác nhau".

Mức thu ngân sách từ xăng dầu lùi về đến 22% có thể là mức tốt nhất chấp nhận được, vì vậy nếu nói rằng thu từ xăng dầu quá cao làm thúc đẩy tăng giá xăng là không đúng. Chính phủ cũng không nên giảm thêm các khoản thu từ xăng dầu nữa.

Thứ ba, khi giá dầu thế giới tăng, thì xăng dầu trong nước cũng phải tăng; khi tỷ giá đồng tiền nhập khẩu (chủ yếu là USD) tăng thì xăng trong nước cũng phải tăng..v..v... Vận hành theo cơ chế thị trường tất yếu là như vậy. Nếu cứ dùng sức mạnh hành chính để kìm hãm nó thì sớm muộn cũng sẽ thất bại và dẫn đến những kết quả khó khăn hơn.

Mục tiêu thả nổi giá xăng dầu có thể đã mang lại một kết quả tốt hơn nếu như việc này được thực hiện từ những năm trước, trong những thời điểm kinh tế tăng trưởng thuận lợi. Tuy nhiên thì dẫu sao, việc tăng giá đã xảy ra. Đến nay, đẩy nhanh "thị trường tự định giá xăng dầu" vẫn là giải pháp tốt nhất, cần thực hiện nhanh hơn. Nếu càng nhanh chóng để giá xăng "đi theo hướng thị trường" thì mới sớm thoát khỏi cái mớ bùng nhùng trong quản lý. Trong dài hạn, việc đó tránh được những cơn khủng hoảng kép, đảm bảo cân đối vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội hơn hẳn việc kìm hãm, bao cấp giá.

Làm gì trong thời kỳ "giá xăng thị trường"?

Trước tiên và quan trọng nhất là tăng cường quản lý và quản trị doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Không nên nêu lý do đơn giản là tăng giá xăng để giảm lỗ của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vì lý do này làm cho người tiêu dùng có cảm giác việc tăng giá xăng là vô hạn định. Nếu xăng tăng giá mà vẫn để "bù lỗ", thì bù đến bao giờ khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (chủ yếu là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần nhà nước) vẫn được quản trị một cách lạc hậu, mơ hồ, lưỡng tính (nửa hạch toán kinh doanh, nửa bao cấp)?.

Người tiêu dùng luôn nghi ngờ, coi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là cái thùng không đáy nuốt tiền của dân và của ngân sách. Đây là một phép toán khó nhưng không thể không làm. Bản thân doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải được chuyển mạnh mẽ sang kinh doanh, hiệu quả thực chất.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quản trị ra sao, hạch toán như thế nào chưa ai rõ, nhưng qua phát biểu của Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) "yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm chi phí kinh doanh về mức 600 đồng/lít, thay vì 900 đồng/lít theo tính toán, và không tính lãi 300 đồng/lít để đưa ra mức giá hợp lý"(2) thì cũng lờ mờ đoán được bấy lâu các công ty kinh doanh xăng dầu hạch toán mà chẳng hạch toán gì.

Nếu vẫn cách can thiệp hành chính vào hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp như vậy thì bản thân các doanh nghiệp này cũng sẽ chẳng bao giờ thoát ra được cái vòng luẩn quẩn. Cần quyết liệt một lần cải tổ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, có thể cho bù hết lỗ những năm qua, cho khoanh nợ, giãn nợ cũ, doanh nghiệp phải hạch toán thực chất, lời ăn lỗ chịu... Chính phủ sẽ đồng thời kiểm soát mạnh mẽ các chi phí hoạt động của các doanh nghiệp này.

Chính phủ cần khẳng định và tuyên bố rõ ràng một lộ trình tăng giá xăng theo xu hướng đẩy nhanh tốc độ tăng giá xăng dầu theo thị trường, thay vì lưỡng lự, cầm chừng như thời gian qua. Bên cạnh đó cần truyền thông đầy đủ hơn, khoa học hơn về chính sách giá xăng dầu, với mục tiêu rõ rệt giá xăng dầu phải đảm bảo là giá thị trường cạnh tranh, về lâu dài đảm bảo được các cân đối vĩ mô và an sinh xã hội, hơn hẳn mô hình bao cấp giá xăng. Các chính sách quản lý doanh nghiệp và các cam kết cụ thể về quản trị doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần được công khai để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Một hướng đi tích cực, thực chất và minh bạch sẽ tạo ra một tiền lệ tốt để khai thông vấn đề quản lý giá của các mặt hàng "chiến lược" khác như giá điện, giá than... , tạo sự đồng thuận trong xã hội, hoàn chỉnh một bước đi quan trọng trong cân đối, phản ánh thực chất và rõ nét hơn bức tranh nền kinh tế, mang lại niềm tin vững chắc và ổn định cho xã hội.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent