Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối tiếp tục thực hiện việc tiết giảm chi phí, cân đối lượng hàng nhập về để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong trường hợp giá nhiên liệu thế giới tăng quá cao, vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp khẩn như giảm thuế, can thiệp bằng quỹ bình ổn giá.
|
Xăng A92 đang có giá 16.990 đồng một lít. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiện nay, các mặt hàng xăng dầu đang áp dụng 3 loại thuế gồm nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và VAT. Đối với mặt hàng xăng và dầu hỏa thuế nhập khẩu đang là 20%, dầu diezel và dầu mazut có thuế suất 15%. Cả 4 mặt hàng trên đều áp dụng thuế suất VAT chung là 10%. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng với mặt hàng xăng là 10%.
Như vậy, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có thể sử dụng "van" thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài thuế, ông Thỏa cho biết cũng có thể sử dụng quỹ bình ổn giá xăng để xử lý trong tình huống cấp bách.
Theo công bố của nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất VN Petrolimex, tính đến ngày 22/3, giá xăng thành phẩm chào bán tại thị trường Singapore đang ở mức 87,97 USD một thùng. Dầu diezel chào bán với giá 87,49 USD một thùng, còn mặt hàng dầu hỏa giá dao động quanh ngưỡng 86,74 USD một thùng. Với giá này, sau khi cộng các khoản thuế, phí vận chuyển, và một số khoản phí khác, giá cơ sở đối với mặt hàng xăng 17.989 đồng một lít, dầu diezel là 15.389 đồng, còn dầu hỏa giá 15.780 đồng. Như vậy, so với giá bán hiện hành, mỗi lít xăng cơ sở cao hơn 699 đồng, sau khi trừ đi 300 đồng khoản lợi nhuận định mức; dầu diezel là 489 đồng còn dầu hỏa là 480 đồng. Petrolimex khẳng định mức chênh lệch này không phản ánh chính xác lỗ hoặc lãi của doanh nghiệp đầu mối tại cùng thời điểm.
Chiều tối 22/3, Bộ Tài chính cũng phát đi thông báo khẩn yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường thế giới, trước mắt chưa tăng giá bán lẻ trong nước.